Thầu khe “nước Thánh” 7 tháng nộp 120 triệu đồng

Thầu khe “nước Thánh” 7 tháng nộp 120 triệu đồng

(SGGPO).- Trong bài Nghe lời đồn nhảm, tranh hứng “nước Thánh”, báo SGGP đã phản ánh việc hàng trăm người từ khắp mọi nơi như TP Vinh, thị xã Vửa Lò, Nam Đàn,… (Nghệ An), huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh),… kéo nhau về xóm 14, xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) tìm hứng, mua “nước Thánh”. Những tưởng sau khi được tuyên truyền rằng không có chuyện “nước thánh” mọi người sẽ không còn “mơ tưởng” tìm đến.

Thế nhưng, ngày 14-7, phóng viên SGGP đã có dịp quay trở lại nơi đây và nhận thấy: lượng người tìm đến không hề thuyên giảm, mà xem ra việc mở rộng dịch vụ bán nước tại cống Kẹp còn qui mô hơn, với việc UBND xã Khánh Sơn đã cho tư nhân đấu thầu quản lý, thu phí…

Thực chất, đây chỉ là nguồn nước khe chảy tự nhiên từ trên núi Sắc xuống qua cống Kẹp trên quốc lộ 15A, người dân trong vùng vẫn dùng nước này trong ăn uống và sinh hoạt bình thường suốt mấy chục năm nay.

Thầu khe “nước Thánh” 7 tháng nộp 120 triệu đồng ảnh 1

Lán, giường, võng,… được dựng lên trên cống Kẹp phục vụ việc lấy nước

Ngay từ sáng sớm ngày 14-7, khi đến khu vực cống Kẹp đã có hàng chục người đang đợi nước. Nhưng có điều khác với trước đây, bây giờ Cổng Kẹp trông khá “qui mô”. Ngay dưới miệng cống-nơi hứng nước, người ta đã dựng lên một mái che bằng tôn, bên cạnh có 1 cái ghế dài và mấy ghế nhựa ngồi đợi nước. Cạnh đó là giường ngủ, võng và cả máy nổ dùng để chạy phát điện phục vụ hứng nước ban đêm. Không như trước đây, bây giờ, ngoài những can nhựa còn có cả 4-5 thùng nước thể tích lớn dùng để hứng tích nước.

Vẫn phải xếp hàng đợi nước

Vẫn phải xếp hàng đợi nước

Cách điểm cống cũ khoảng 10m bây giờ xuất hiện thêm một điểm “khai thác” nước mới. Điểm mới này được xây, láng xi măng và gắn biển khắc đá:”Công trình văn hóa tự nguyện phục vụ dân sinh-xóm 14”, ngoài ra còn được viết thêm nội dung: nếu ủng hộ dân sinh thì mỗi can giá 1.000đ, ngay trên lối đi xuống treo một hộp tôn với dòng chữ “Ủng hộ phát triển dân sinh”.

Cách cống Kẹp khoảng 50m cũng đã xuất hiện thêm một điểm vòi nước nhỏ, một số người đến đợi lâu quá cũng đến hứng tại đây.

Bên cạnh điểm hứng nước đã bắt đầu xuất hiện dịch vụ bán nước trực tiếp, bán can mới và dịch vụ giải khát phục vụ cho người chờ hứng nước.

Từ tháng 6-2010, UBND xã UBND xã Khánh Sơn đã cho một hộ dân đứng ra đấu thầu, bảo vệ, thu phí tại cống Kẹp. Bên trúng thầu là hộ ông Nguyễn Trọng Lịch - trú tại xóm 11 xã Khánh Sơn.

Hợp đồng giữa UBND xã Khánh Sơn và hộ ông Lịch kéo dài 7 tháng, từ 1-6 đến 31-12-2010, tổng số tiền ông Lịch phải nộp cho xã trong 7 tháng là 120 triệu đồng. Ngoài những điều khoản về giữ gìn an ninh trật tự, môi trường, trong hợp đồng còn có những điều khoản khá cụ thể, như: “Chủ thầu phải có trách nhiệm điều hành phân phối lấy nước theo thứ tự, ai đi trước lấy trước, ai đi sau lấy sau. Tuyệt đối không được giải quyết ngang làm mất công bằng gây mất trật tự, trong thời gian qui định từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm tuyệt đối không được phục vụ nước cho hộ kinh doanh(trừ trường hợp rảnh khách).

Trang 1 bản hợp đồng quản lý, thu phí nước Cống Kẹp

Trang 1 bản hợp đồng quản lý, thu phí nước Cống Kẹp

Hợp đồng cũng qui định, mỗi can nước người lấy phải đóng phí cho chủ thầu 1.000đ. Trong hợp đồng là như vậy, nhưng thực tế tại cống Kẹp, giá cả lại được ghi rất rõ ngay tại vòi hứng nước. Người xã Khánh Sơn giá 1.000đ/1 can, không phân biệt to nhỏ; người ngoài xã Khánh Sơn 2.000đ/1 can, nhưng nếu mua từ 3 can trở lên sẽ có giá 3.000đ/1 can. Tại khu vực này cũng có những qui định rất rõ vào giờ cao điểm mỗi người chỉ được 2 can/1 ngày, mất can không đền và không nhận giữ can. Cũng dễ hiểu, bởi cống Kẹp hiện chỉ có 2 vòi nước khá nhỏ giọt, trong khi người trúng thầu phải nộp 120 triệu đồng/7 tháng thì không thể thu mỗi can chỉ có 1.000đ!

Duy Cường

>> Nghệ An: Nghe tin đồn nhảm, tranh hứng “nước thánh”

Tin cùng chuyên mục