“Cởi trói” cho sáng tạo
Ông Trần Huy Chí, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số, cho rằng, một tác phẩm có nội dung phản ánh tốt những mặt tích cực của đời sống kinh tế, xã hội sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước; những tác phẩm có nội dung phê phán những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực trong xã hội sẽ có tác dụng hạn chế sự lan rộng của các thói hư tật xấu và những hành vi thiếu chuẩn mực xã hội. Theo ông, song song với nội dung, một tác phẩm có nghệ thuật chính là hình thức thể hiện cái đẹp, cái thu hút đối với công chúng, góp phần mang tác phẩm đến gần hơn với người đọc, người xem.
Còn ông Lê Nguyên Hiều, Hội Nghệ sĩ múa, cho rằng, yêu cầu đầu tiên của nghệ sĩ là phải có khát vọng và tài năng. Theo ông, khi có khát vọng, có tài năng, chúng ta sẽ sáng tạo được tác phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, ông Lê Nguyên Hiều bày tỏ e ngại về mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với nghệ sĩ sáng tác. “Nghệ thuật là sự sáng tạo, mà sáng tạo thì sẽ không có ranh giới và có nhiều vấn đề phát sinh. Nhưng ở phương diện quản lý nhà nước, nếu chúng ta cứ đặt ra những barie thì dần dần sẽ làm thui chột sáng tạo, tài năng và khát vọng của văn nghệ sĩ”, ông Hiều chia sẻ.
Mở rộng việc đặt hàng
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, lúc trước, cứ đến sảnh trụ sở liên hiệp sẽ thấy có nhiều kệ sách. Đó là sách đầu tư, là sản phẩm của các trại sáng tác, không bán, chỉ trưng bày. Dẫn chứng ở lĩnh vực sân khấu, một vở diễn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, diễn 5 suất ở huyện Bình Chánh (TPHCM) thu hút khoảng 300 người xem, chủ yếu là huy động lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên. Xong 5 suất, vở diễn… cất kho, KTS Nguyễn Trường Lưu cho rằng, cần phải thay đổi cách đầu tư cho VHNT.
“Chúng ta định đầu tư cho một tác phẩm 1 tỷ đồng, nhưng trước mắt, chúng ta chỉ đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này là tiền rủi ro, được cấp cho tác giả khi có đề cương để họ chuyên tâm vào hoàn thành tác phẩm. Nếu sau này tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, đạt giải A của Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn, thành phố thưởng 1 tỷ đồng. Như vậy, thay vì mất 1 tỷ đồng thì bây giờ thành phố được một tác phẩm đạt giải A. Mà một tác giả 2 lần đạt giải A là được Giải thưởng Nhà nước, thành phố cũng có vinh dự”, KTS Nguyễn Trường Lưu đề xuất.
Trong vấn đề quảng bá, theo ông Nguyễn Trường Lưu, người quảng bá tốt nhất chính là tác giả. Vì vậy, thay vì dồn sách về liên hiệp thì hãy gửi lại cho tác giả để họ quảng bá, đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Ngoài ra, ngoài số sách mà liên hiệp đầu tư in, tác giả có quyền đề nghị in thêm để phát hành theo kênh của mình. Thậm chí sau đó, tác giả hoàn toàn có thể lấy bản thảo đi chào bán ở các đơn vị khác.
Nhà báo, đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận Phê bình, Hội Sân khấu TPHCM, nêu lên thực trạng khó khăn hiện nay của sân khấu thành phố, đặc biệt là các đơn vị xã hội hóa. Ông Hiệp cho biết, trước đây, thành phố có 15 đơn vị xã hội hóa nhưng nay chỉ còn 5 sàn diễn kịch. Thực tế có rất ít kịch bản được đầu tư ở các trại sáng tác mà có thể được dàn dựng ở các sân khấu xã hội hóa. “Bởi hầu như hiện nay, các đơn vị xã hội hóa đều có đội ngũ tác giả gắn liền với họ. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận và định hướng lại việc tổ chức trại sáng tác”, ông Hiệp nêu lý do.
Đạo diễn Thanh Hiệp cũng cho rằng, cần thay đổi cách đầu tư thông qua mở rộng đặt hàng. Thay vì chỉ đặt hàng các sân khấu công lập, hãy trao cơ hội để các đơn vị xã hội hóa cũng được tham gia. “Chúng ta không thể để các sân khấu xã hội hóa ‘tự bơi’. Nếu chúng ta không cứu các đơn vị này, chúng ta sẽ mất một lượng khán giả đến với sân khấu kịch”, đạo diễn Thanh Hiệp nói.