Thay đổi chiến lược thu hút FDI

Sau hơn 25 năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp rất lớn vào việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thành phần kinh tế và vùng kinh tế. Tuy nhiên, với tâm lý thu hút bằng mọi giá và không có chiến lược ngay từ đầu, cũng như quá phụ thuộc vào nguồn vốn FDI nên sức lan tỏa của FDI mang lại không cao giữa các vùng, địa phương; thậm chí còn để lại nhiều hậu quả cho xã hội.

Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, tồn tại lớn nhất là sự mất cân đối trong hoạt động đầu tư; trong đó sự mất cân đối thu hút FDI theo địa phương sẽ dẫn đến mất cân đối trong phát triển kinh tế theo lãnh thổ, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế vùng miền và an ninh quốc gia. Những nơi thu hút nhiều FDI thì phát triển nhanh, nhưng kéo theo sự quá tải về cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chi phí kinh doanh, giá cả các phương tiện phục vụ cho đời sống tăng nhanh. Ngoài ra, hiện tượng lao động nhập cư quá lớn ảnh hưởng tới an ninh, xã hội và sự phát triển bền vững của các địa phương này. Để có thể thu hút đầu tư vào địa phương mình thì các địa phương sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh, thu hút đầu tư với mọi giá. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho Việt Nam từ FDI không tương xứng với giá trị của nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi. Các tỉnh thu hút vốn FDI thấp, nguồn thu ngân sách ít, kinh tế kém phát triển, người lao động “ưu tú” rời bỏ địa phương tạo khoảng cách lớn trong phát triển.

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cảnh báo, chuyển dịch cơ cấu vùng tuy gắn liền với FDI nhưng cũng nảy sinh rủi ro tạo ra cơ cấu thiên lệch và phụ thuộc vào FDI. Điều này thể hiện rất rõ ở một số tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao nhờ vào FDI, tới mức quá phụ thuộc vào FDI để có tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ trong tỉnh. Sự phụ thuộc như vậy có thể gây ra đột biến lớn nếu như các DN này gặp vấn đề do chính bản thân hoặc tác động tiêu cực đến từ bên ngoài. Hệ quả là sẽ ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu nội bộ tỉnh, thậm chí cả nước. Bên cạnh đó, việc ganh đua thu hút FDI quá chú trọng đến số lượng dự án, vốn đăng ký nhưng chưa chú trọng đến ngành nghề, công nghệ sử dụng… Áp lực thu hút FDI làm cho nhiều tỉnh thành sẵn sàng chấp nhận dự án vì mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà chưa đánh giá hết mặt trái có thể xảy ra.

Để việc thu hút nguồn vốn FDI mang lại hiệu quả và có những đóng góp đối với việc phát triển kinh tế của đất nước, cũng như tạo sự lan tỏa giữa các vùng kinh tế, trong thời gian tới, nhà nước cần sửa đổi chính sách phân cấp quản lý đầu tư, trong đó cần nhấn mạnh mục tiêu và lợi ích quốc gia của FDI để làm căn cứ cho các tỉnh thu hút FDI đạt mục tiêu của địa phương gắn với quốc gia dựa vào những lợi thế riêng của tỉnh. Các tỉnh, thành cần có những chiến lược phát triển và chính sách ưu đãi cụ thể cho từng thành phần kinh tế, ngành kinh tế để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ. Tăng cường sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng, các tỉnh để hỗ trợ lẫn nhau.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục