Không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi ni lông mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, với chất lượng môi trường sống thì thói quen này đã và đang gây nhiều tác hại hết sức nghiêm trọng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, túi ni lông được sử dụng khắp mọi nơi từ của hàng bán rau, dưa cà muối đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Nếu như trước đây, các loại đồ ăn như xôi, bánh, bún, đậu,… hay thậm chí là các thực phẩm tươi sống như thịt, cá,… được người bán hàng gói trong lá chuối dọc sẵn, hoặc rau được đựng trong tàu lá chuối rồi dùng dây thắt lại... thì ngày nay ở khắp các khu chợ lớn, bé, bất kể thực phẩm nào cũng được đựng bằng túi ni lông. Một tiểu thương bán hải sản ở chợ Đo Đạc quận 2 cũng cho biết, đã gần 10 năm nay, một ngày cửa hàng nhà chị dùng hết khoảng 600 túi ni lông (tương đương với 1kg túi), giá 44.000 đồng/kg, đa số mọi người đi tay không và khi về xách cá, tôm, cua… đựng trong túi ni lông. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, chủ tạp hóa Bích Ngọc ở đường số 8, khu phố 4 phường Bình An, quận 2 cũng cho biết, chị chẳng nghe ai tuyên truyền về việc sử dụng túi thân thiện môi trường gì cả; đến nay chị còn không biết mặt mũi, màu sắc, to hay nhỏ của loại túi này như thế nào. Thấy loại túi ni lông thông thường vừa rẻ vừa tiện nên ra chợ mua về để đựng hàng cho khách thôi.
Trao đổi về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, do giới hạn về nguồn nhân lực, kinh phí nên phạm vi tuyên truyền, các công cụ hỗ trợ tuyên truyền còn hạn chế. Mặt khác, việc vận động tiểu thương chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường gặp nhiều khó khăn do các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường không đáp ứng được nhu cầu mua hàng nhỏ, lẻ và đa dạng của các tiểu thương; việc thực thi Luật Thuế bảo vệ môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng túi ni lông thân thiện môi trường được miễn thuế không thể cạnh tranh về giá với một số sản phẩm túi ni lông thông thường trên thị trường. Thêm vào đó, việc kiểm soát chất lượng túi ni lông thân thiện môi trường chưa được tiến hành chặt chẽ, xuất hiện trường hợp giả mạo túi ni lông thân thiện môi trường gây khó khăn cho các tiểu thương trong việc phân biệt túi ni lông thân thiện môi trường thật và giả.
Các chuyên gia môi trường cho biết, vòng đời của túi ni lông dài đến hàng ngàn năm. Vứt bỏ một túi ni lông chỉ mất chưa đến một giây, nhưng để nó phân hủy một cách tự nhiên phải cần đến 500 - 1.000 năm. Khi thải ra môi trường dưới tác động của ánh sáng, túi ni lông vỡ ra thành nhiều phân tử nhựa nhỏ hơn, độc hại hơn và cuối cùng gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Chúng có thể len lỏi vào thức ăn của động vật và con người. Được biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, từng bước thay thế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Cụ thể, giảm 40% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị; giảm 20% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải là túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu này, ngoài những giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cần thiết áp dụng biện pháp chế tài bằng kinh tế như tăng cường kiểm tra và xử phạt các đơn vị kinh doanh, sản xuất túi ni lông vi phạm các quy định về Luật thuế bảo vệ môi trường, có quy định về nhãn túi ni lông thân thiện môi trường giúp người dân, các tổ chức cá nhân, bán lẻ dễ nhận biết; đồng thời cần nghiên cứu ban hành quy định cấm phát miễn phí túi ni lông tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách…
Minh Hải