Thấy gì ở vùng “ăn gà chết”?

Thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình trên thượng nguồn sông Gianh. Muốn chạm thôn miền núi hẻo lánh này thì phải vượt sông Gianh cách trở. Mấy ngày qua, người dân hoang mang khi nơi đây xảy ra trường hợp tử vong nghi do ăn gà chết.
Thấy gì ở vùng “ăn gà chết”?

Thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình trên thượng nguồn sông Gianh. Muốn chạm thôn miền núi hẻo lánh này thì phải vượt sông Gianh cách trở. Mấy ngày qua, người dân hoang mang khi nơi đây xảy ra trường hợp tử vong nghi do ăn gà chết.

  • Gà sống bán mua gạo, gà chết để ăn

Mấy ngày qua ở bến đò Cuồi, nhiều người bàn tán chuyện hai con anh Hoàng Văn Bình, một tử vong, một nguy kịch đang nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế nghi do ăn gà chết. Một bà đi phiên chợ về tên Trần Thị Phương nói: “Kinh Châu mình bao đời nay có dịch mô mà phòng với chống. Nhưng cảnh giác vẫn hơn. Chồng con tui may có bịt khẩu trang khi mần mấy con gà chết, sau đó không bị chi, đùng một cái hôm qua thằng út nói cảm cúm, tui lao ngay đi mua thuốc cho hắn uống, lo thiệt…”.

Thấy gì ở vùng “ăn gà chết”? ảnh 1

Phun thuốc dịch tễ ở thôn Kinh Châu sau hơn 10 ngày xảy ra dịch cúm.

Một chị tên Hoàng Thị Quý nói xen vào: “Tui cũng ăn 2 con gà chết, nhà được 2 mẹ con thì chừ phát cúm, tối qua cúm liệt giường, chuẩn bị đi viện thì thấy trong người bớt sốt nên ở nhà, sáng dậy con bé lại sốt, tui phải tất tưởi đi mua thuốc uống, không chủ quan được”.

Chị nói vậy, hơn chục người đi chuyến đò đó ai cũng im lặng vì đa số đã ăn gà chết. Tôi hỏi một câu để phá vỡ không khí nặng nề: “Sao không ăn gà sống mà ăn gà chết mấy o?”. Cả thuyền nhao lên: “Gà sống một con năm chục ngàn đồng, ăn sao đành. Để mua gạo ăn một tuần, ai dám ăn năm chục ngàn một nhóang được. Nghèo thì phải tiết kiệm”. Tiếc mấy chục ngàn, mà những người ở thôn Kinh Châu đã đánh quả mạng sống với tử thần!

Trong cùng một lúc rất nhiều người làm thịt gà chết để ăn mà vẫn cho là bình thường, thậm chí còn cho rằng, mỗi nhà nuôi vài con gà và mỗi nhà chết vài con là lẻ tẻ. Để rồi khi hai con anh Bình - cháu Hương thiệt mạng, còn cháu Dương nguy kịch trong viện, mọi người cuống cuồng cả lên. Số người bị cúm ở thôn Kinh Châu lên đến 108, thôn Lâm Lang 13 người, thôn Uyên Phong 21 người, thôn Lạc Sơn 43 người. Còn thôn Thanh Châu do dân sống nghề vạn chài sông nước nên chưa thống kê được. Trong số này ngoài cháu Dương ra thì không một ai nhập viện, cứ nằm li bì ở nhà.

Tôi vào nhà chị Nguyễn Thị Hiền, người phụ nữ năm nay mới 35 tuổi nhưng có những 5 con, chồng vừa mất. Hiền thều thào: “Sáu mẹ con nuôi được bốn con gà tơ, hồi Tết không dám ăn, mẹ con để dành ra giêng bán mua gạo, ai ngờ chúng chết cả bốn, tiếc quá đành làm ăn. Chừ lăn ra ốm mấy ngày nay không làm chi được”. Hiền khó thở và có những triệu chứng như cháu Hương (đã tử vong) lúc mới ốm, bên cạnh chị còn một đứa con cũng ốm li bì mấy ngày nay. Kế bên nhà Hiền là nhà Hoàng Văn Ngọc, hai bố con cũng ốm sủng mấy hôm nay chưa gượng dậy được.

  • Chống dịch: Quá chậm và đơn giản!

Trong ba ngày ở Kinh Châu, tôi mới hay bà con quá hoang mang sau bi kịch của hai con anh Hoàng Văn Bình. Thế nhưng trưởng thôn Kinh Châu, Hoàng Đức Hoành cứ chủ quan: “Gà ở đây năm mô cũng chết, có chi mà sợ. Họ ốm chắc do cảm cúm nhẹ thôi”.

Phía xã Châu Hóa cho rằng gà chết là bị tụ huyết trùng nên không đáng ngại. Còn ông Hoàng Văn Mịn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình, đến chiều 19-3 mới lên nắm thực tế, phát tờ rơi nhận biết bệnh cúm gà cho trưởng thôn và chỉ đạo nhân viên y tế phun tiêu độc cũng như lên kế hoạch sáng thứ hai (21-3) cho lấy mẫu xét nghiệm. Trong lúc đó, trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm tỉnh, ông Mai Xuân Thu, đến ngày 20-3 mới ra tới Kinh Châu.

Theo nguyên tắc, khi dân báo có người chết do ăn gà chết trong thời buổi dịch cúm gà đang diễn biến phức tạp thì các cơ quan chức năng liên quan phải có mặt kịp thời, nhưng hơn 10 ngày sau khi có người tử vong, cơ quan chức năng mới có mặt với tinh thần sang thứ hai (21-3) tập huấn phòng chống dịch cúm gà ở trung tâm huyện Tuyên Hóa. 

NAM DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục