Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có

Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), có hơn 139 triệu người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu và Covid-19. Chủ tịch IFRC, ông Francesco Rocca, cảnh báo: “Thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có khi mà biến đổi khí hậu và Covid-19 đang đẩy cộng đồng đến giới hạn của họ”.
Lũ lụt ngày càng trầm trọng ở Bangladesh
Lũ lụt ngày càng trầm trọng ở Bangladesh

Tác động trực tiếp và gián tiếp

Đây là phát hiện mới của IFRC và Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ về tác động tổng hợp của các hiện tượng thời tiết cực đoan và Covid-19. 

Theo IFRC, kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, các thảm họa liên quan đến khí hậu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của ít nhất 139,2 triệu người và giết chết hơn 17.242 người. Theo đó, ước tính có khoảng 658,1 triệu người dễ bị tổn thương đã phải tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt.

Đại dịch tiếp tục tác động trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người trên thế giới, nhưng cũng có tác động gián tiếp lớn, một phần do các biện pháp ứng phó được thực hiện để ngăn chặn đại dịch. Tình trạng mất an toàn thực phẩm do thời tiết khắc nghiệt đã trở nên trầm trọng hơn bởi Covid-19. Các hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn và những người dễ bị tổn thương nhất là đối tượng chịu nhiều cú sốc chồng chéo nhất.

Ở Afghanistan, tác động của hạn hán cực đoan kết hợp thêm xung đột và Covid-19 đã làm tê liệt sản xuất lương thực nông nghiệp và giảm lượng gia súc, khiến hàng triệu người bị đói và suy dinh dưỡng. Ở Honduras, đối phó với các cơn bão Eta và Iota trong đại dịch đã khiến hàng ngàn người trở thành người vô gia cư trong những nơi trú ẩn tạm thời. Ở Kenya, tác động của Covid-19, lũ lụt trong 1 năm và hạn hán trong năm tiếp theo, cũng như sự xâm nhập của nạn châu chấu đã khiến hơn 2,1 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn và thành thị. Trên khắp Đông Phi, các hạn chế của Covid-19 đã làm chậm phản ứng với lũ lụt và việc tiếp cận với các nhóm dân cư bị ảnh hưởng, làm gia tăng mức độ dễ bị tổn thương của họ.

Không thể chậm trễ

Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Chủ tịch IFRC, ông Francesco Rocca, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức, không chỉ để giảm phát thải khí nhà kính mà còn giải quyết các tác động nhân đạo đang tồn tại và sắp xảy ra do biến đổi khí hậu. Ông Francesco Rocca nhấn mạnh: “Đã đến lúc biến lời nói thành hành động và cống hiến sức mình cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Hàng ngày, chúng ta đang chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu và cần phải hành động ngay bây giờ”. 

Trong khi đó, cũng gần như đồng thời, báo cáo Khảo sát triển vọng khí hậu tại Đông Nam Á năm 2021 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS Yusof Ishak) công bố ngày 16-9 cho thấy người dân Đông Nam Á nhìn nhận rằng biến đổi khí hậu cũng là một “cuộc khủng hoảng” như đại dịch Covid-19 và cần thiết phải có thêm nhiều nỗ lực để đối phó với vấn đề này. 

Trong một sự kiện bất ngờ, ngày 16-9, Hội đồng thẩm phán Tòa án quận Trung Jakarta (Indonesia) đã yêu cầu Tổng thống Joko Widodo ban hành tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường và hệ sinh thái. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp được yêu cầu giám sát Thống đốc tỉnh Tây Java, TP Jakarta và tỉnh Banten tiến hành đo lường lượng khí phát thải. Bộ trưởng Nội vụ được yêu cầu giám sát và hỗ trợ Thống đốc Jakarta trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế được yêu cầu tính toán tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân, để Thống đốc Jakarta lấy làm cơ sở khi đề ra các chiến lược giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tin cùng chuyên mục