Thế giới trong nhiệm kỳ mới của ông Obama

Đầu tháng 11 vừa qua, ông Barack Obama giành chiến thắng trong một cuộc chạy đua tái tranh cử Tổng thống Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Obama, thế giới đã có những sự thay đổi đáng kể từ “Mùa xuân Ảrập”, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu Á. Trong một số sự thay đổi đó đều có dấu ấn của Mỹ. Chính vì vậy, thế giới đang theo dõi sát sao những động thái của một nước Mỹ trong nhiệm kỳ mới của ông Obama để từ đó đưa ra những phản ứng thích hợp.

Sau khi hứa hẹn sẽ thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông, kết quả, Tổng thống Barack Obama bỏ lại đằng sau một Trung Đông đầy thất vọng, bị càn quét bởi “Mùa xuân Ảrập”. Những người chỉ trích ông Obama nói rằng Tổng thống Mỹ đã không thực hiện những cam kết đưa ra trước đây như giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel hay cải thiện quan hệ với các nước Hồi giáo. Một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ tiến hành hồi tháng 6-2012 cho thấy uy tín của Tổng thống Obama đã sụt giảm tại 5 nước Hồi giáo.

Cộng đồng quốc tế giờ băn khoăn, trong nhiệm kỳ mới, ông Obama có thay đổi chính sách? Hãng AFP dẫn lời Muhannad Abdel Hamid, nhà phân tích chính trị người Palestine, cho rằng ông Obama sẽ áp dụng các chính sách tương tự những người tiền nhiệm đối với Palestine và rất khó có chuyện Tổng thống Mỹ thực hiện cam kết trong bài phát biểu tại Trường Đại học Cairo về cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo.

Vấn đề quân tâm của ông Obama tại Trung Đông sắp tới là Syria, Iran. Martin Indyk, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định năm 2013 có thể là năm mang ý nghĩa quyết định đối với Tehran.

Theo ông Indyk, cam kết mạnh mẽ hơn của ông Obama đối với vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ sẽ đề ra một chính sách “tập trung và quyết đoán”. Ông Indyk cho rằng Iran nên sẵn sàng chuẩn bị bởi Tehran có thể sẽ phải hứng chịu thêm những sự trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa về kinh tế từ Mỹ và các đồng minh phương Tây. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng diễn biến mới tại cao nguyên Golan giữa Syria và Israel trong những ngày qua có thể là một bước đi để Mỹ có thể can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria.

Trong nhiệm kỳ mới này, chính sách trở lại châu Á của Mỹ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Điều này được thấy rõ khi ông Obama lên lịch công du 3 nước Đông Nam Á Myanmar, Thái Lan và Campuchia từ ngày 17 đến 20-11, chỉ ít lâu sau khi tái đắc cử.

Chuyên gia Jon Alterman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định Mỹ ngày càng nghĩ mình là một nước ở Thái Bình Dương hơn là một nước ở Đại Tây Dương. Trung Quốc đã từng lên tiếng cáo buộc rằng chính sách của Mỹ tại châu Á không nằm ngoài mục đích kiềm chế Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đối kháng địa chính trị Trung - Mỹ sẽ càng quyết liệt trong 4 năm cầm quyền tới của ông Obama và không loại trừ Trung - Mỹ sẽ tiến tới chạy đua vũ trang.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ gặp khó khăn cũng là một vấn đề mà các quốc gia trên thế giới cần phải quan tâm. Kinh tế Mỹ sa sút, tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao, nhiều khả năng kéo theo gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ trở thành cản trở lớn cho tự do thương mại toàn cầu, khiến nhiều quốc gia có thị phần xuất khẩu lớn vào Mỹ gặp không ít khó khăn. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục