Iran tiếp tục bác bỏ đề xuất của EU

Iran tiếp tục bác bỏ đề xuất của EU

Ngày 17-5, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố bác bỏ đề xuất của EU rằng EU sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự tinh vi nhất với Iran, đổi lấy việc Iran đồng ý ngừng việc làm giàu uranium trên lãnh thổ Iran. Như vậy là sáng kiến mới nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua đàm phán lại thất bại.

Iran tiếp tục bác bỏ đề xuất của EU ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Ebrahim Sheibani cho biết nước ông sẽ không chuyển các khoản tiền thu được từ việc bán dầu về nước hay đổi thành nội tệ mà sẽ đưa các khoản tiền này vào các tài khoản trên khắp thế giới như một bước đề phòng trước khả năng LHQ có thể áp đặt cấm vận chống Tehran.

Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Lavrov đã đến Trung Quốc và có cuộc gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh (ảnh) bàn biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Việc Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã nhận lời mời của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đến Bắc Kinh tham dự cuộc gặp cấp cao vào ngày 15-6 nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập đã được dư luận rất chú ý.

Iran hiện đang được hưởng quy chế quan sát viên của SCO. Bên lề cuộc gặp đó, ông Mahmoud Ahmadinejad sẽ hội đàm song phương với nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, trước những tin tức báo chí cho rằng có thể Iran sẽ được kết nạp làm thành viên đầy đủ của SCO, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố hiện chưa có kế hoạch nào về việc mở rộng SCO.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez kêu gọi chấm dứt sự “điên rồ” leo thang giữa Mỹ và Iran, cảnh báo không được để xảy ra thêm một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông, vì điều đó có thể dẫn đến việc tăng giá dầu đột ngột, chưa từng có.

Ngoại trưởng Malaysia Hamid Albar cho biết các ngoại trưởng của 114 nước thuộc Phong trào không liên kết (NAM) sẽ tuyên bố quan điểm về cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vào cuối tháng này.

Ông cho rằng chẳng có gì là sai trái đối với bất kỳ một quốc gia nào đi tìm nguồn năng lượng thay thế, kể cả nguồn năng lượng hạt nhân, miễn là phục vụ mục đích hòa bình và điều này phù hợp với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

D.Tr. (BBC, AFP)

Tin cùng chuyên mục