Ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ: Trung Quốc tàn phá môi trường biển Đông

Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc thuộc Quốc hội Mỹ vừa công bố một báo cáo khẳng định các hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại biển Đông đã tàn phá khoảng 40km² san hô cũng như môi trường biển tại khu vực này.

Ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái

Báo cáo trên dẫn lời giáo sư John McManus, chuyên gia nghiên cứu về hệ sinh thái và sinh vật học đại dương của Đại học Miami, cho rằng các hoạt động tàn phá những dải san hô đã gây thiệt hại nghiêm trọng về thủy sản và vi phạm luật bảo vệ môi trường.

“Quy mô và tốc độ các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái trong khu vực là lý do khiến các hành động của Trung Quốc bị đặc biệt quan tâm”, báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc nêu rõ.

Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 12-2013, chính quyền Trung Quốc tuyên bố mở rộng diện tích các đảo nhân tạo tại biển Đông thêm gần 13km². Cơ quan trên cũng nhắc lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn công khai sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát tại biển Đông, lời hứa được đưa ra tại Washington vào tháng 9-2015.

Hình ảnh hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông

Cơ quan trên cũng tố Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết năm 2002, “yêu cầu các bên kiềm chế” trong các đòi hỏi chủ quyền tại những vùng lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh cũng không chấp nhận phán quyết về biển Đông mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA), một định chế quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, theo Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc, tại nhiều khu vực ở biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố lập các đặc khu, “một quy chế hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế” và thường xuyên ngăn cản các hoạt động của tàu chiến và máy bay Mỹ. Báo cáo của cơ quan trên cũng nhắc đến việc Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận tại khu vực tranh chấp, được truyền thông quảng bá rầm rộ, đặc biệt là cuộc tập trận vào tháng 6-2016.

Diễn biến phức tạp

Nhận định về tình hình biển Đông trong thời gian tới, tờ Japan Times dẫn lời chuyên gia Adam Bartley thuộc Đại học RMIT ở Melbourne (Australia) cho rằng, nhiều khả năng sẽ rất phức tạp, nhất là khi Mỹ dưới thời tổng thống mới đắc cử Donald Trump.

Theo ông Bartley, khẩu hiệu tranh cử “Biến nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa” của ông D.Trump có thể đồng nghĩa với cách tiếp cận chính sách ngoại giao hòa bình thông qua sức mạnh như dưới thời Tổng thống Reegan.

Quân đội Mỹ, đặc biệt là không quân và hải quân, có thể được thỏa sức thực hiện hoạt động tình báo, do thám và trinh sát, cũng như tự do di chuyển trên biển dưới thời ông D.Trump. Thậm chí có thể thuyết phục thành công Nhật Bản tuần tra chung trên biển và trên không tại biển Đông, động thái sẽ làm Trung Quốc khó chịu.

Cũng theo các chuyên gia trên, những phản ứng của Trung Quốc có thể sẽ định hướng cho quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực trong tương lai. Bắc Kinh không dễ để bị đe dọa, thậm chí sẽ đáp trả tương xứng các mối đe dọa và hành động khiêu khích. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc không làm hài lòng lực lượng chủ nghĩa dân tộc trong nước thì có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất ảnh hưởng cũng như kiểm soát nội địa. Viễn cảnh này đồng nghĩa với việc các sự vụ đối đầu quân sự tại khu vực biển Đông sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Tuy nhiên, với chính sách ưa chuộng chủ nghĩa biệt lập và nước Mỹ trên hết của ông D.Trump, chính quyền do ông D.Trump nắm quyền có thể sẽ không còn quan tâm đến hình ảnh tại châu Á, miễn là Trung Quốc không can thiệp vào thương mại và công việc kinh doanh của các công ty Mỹ.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục