Thêm 1,9 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế

Trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có 85.357 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 822.116 tỷ đồng, tăng 16,3% về số doanh nghiệp và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016.
Kinh doanh bất động sản đang là ngành được đăng ký đầu tư nhiều nhất
Kinh doanh bất động sản đang là ngành được đăng ký đầu tư nhiều nhất

Như vậy, cộng với 1,1 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng qua đạt 1,9 triệu tỷ đồng.

Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng ở hầu hết các ngành so với cùng kỳ năm 2016; song kinh doanh bất động sản tăng mạnh nhất, có 3.156 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 217.139 tỷ đồng, tăng 65,8% về số lượng và 62,8% về số vốn.

Đứng thứ hai là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với số lượng đăng ký mới 966 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 18.433 tỷ đồng, tăng 33,4% về số lượng và 50% về số vốn. Tiếp theo là ngành giáo dục và đào tạo đăng ký 2.242 doanh nghiệp mới, tăng 30%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đăng ký 451 doanh nghiệp, tăng 29,6%;...

Ở chiều ngược lại có 4 ngành giảm so với cùng kỳ năm trước là khai khoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thông tin và truyền thông; vận tải kho bãi.

                             Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng khá cao

 Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay, 29-8 cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2017 tăng 0,92% so với tháng trước.

Như vậy, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,84% và đã tăng 1,23% so với tháng 12 -2016. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá (trừ bưu chính viễn thông giảm rất nhẹ: 0,04%).

Vẫn theo cơ quan thống kê quốc gia, chỉ số CPI tháng 8 - 2017 có mức tăng khá cao do một số nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là chỉ số giá nhóm thực phẩm -nhóm hàng hóa có quyền số lớn trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI -  tiếp tục tăng cao. Nhóm này tháng qua đã tăng 1,64%; góp phần tăng chỉ số CPI khoảng 0,37%; chủ yếu do giá thịt heo tăng tới 5,72% so với tháng trước, theo đó giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt heo cũng tăng theo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho rau xanh khan hiếm, đẩy giá rau xanh tăng 3,89%.

Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở cũng tăng 1,27%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà máy sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5%-10%.

Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4-8 và ngày 19-8, cộng với việc từ ngày 1-8, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 27.000đ/bình 12 kg, tăng 8,91% so với tháng 7-2017.

Đối với các dịch vụ do nhà nước thực hiện quản lý giá, dịch vụ y tế tăng 3,72% do tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ...

Tin cùng chuyên mục