(SGGP-12G).- Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển.
Tuy nhiên, đối với những người có đủ điều kiện, công chức cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Việc thi nâng ngạch công chức được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh trong từng bộ, tỉnh. Theo đó, căn cứ vào chỉ tiêu thi nâng ngạch được phân bổ, các bộ, tỉnh xem xét cử công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thi. Số lượng công chức được cử tham dự kỳ thi phải cao hơn so với chỉ tiêu nâng ngạch của cơ quan.
Căn cứ vào kết quả kỳ thi, chỉ bổ nhiệm vào ngạch dự thi đối với số công chức bằng đúng số chỉ tiêu nâng ngạch của bộ, tỉnh và theo nguyên tắc chọn người giỏi hơn.
Bộ Nội vụ chủ trì thi nâng ngạch công chức hành chính trong các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước; công chức trong cơ quan của Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội do Ban Tổ chức T.Ư chủ trì; công chức chuyên ngành Bộ Nội vụ ủy quyền để các bộ quản lý công chức chuyên ngành tổ chức chủ trì.
LÂM NGUYÊN