Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Thi nghiêm túc mới có kết quả thật

Thi nghiêm túc mới có kết quả thật

Đến thời điểm này, về cơ bản các địa phương đã hoàn tất việc công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức từ Bộ GD-ĐT về tỷ lệ tốt nghiệp chung cả nước nhưng từ con số của các địa phương, có thể thấy tỷ lệ tốt nghiệp cả nước năm nay không dưới 90%. Một kết quả cao nhất kể từ năm 2007 trở lại đây, đang gây nhiều băn khoăn. Bên hành lang Quốc hội ngày 18-6, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã trao đổi vấn đề này.

Thí sinh tại TPHCM trao đổi bài làm sau giờ thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Ảnh: Trần Thanh

Thí sinh tại TPHCM trao đổi bài làm sau giờ thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Ảnh: Trần Thanh

- PV: Thưa ông, nhiều địa phương công bố tỷ lệ đậu tốt nghiệp gần 100%, ông có tin vào con số này?

Ông ĐÀO TRỌNG THI: Tôi cũng thấy rất băn khoăn, vì cao quá, hơi đột xuất!

- Hẳn ông cũng có theo dõi tình hình kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Với việc ra đề dễ và khâu coi thi, tổ chức thi có biểu hiện dễ dãi hơn các năm trước, dư luận đã đặt vấn đề Bộ GD-ĐT hạ chuẩn và nới lỏng coi thi để “tháo khoán” tốt nghiệp? Ông có nhận xét gì?

Kỳ thi năm nay về cơ bản không khác gì năm trước. Nhưng một số biện pháp để tăng cường sự nghiêm túc (tiến tới như sự nghiêm túc của kỳ thi vào đại học) thì Bộ GD-ĐT lại bỏ đi. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã quyết định giảm tới... 15 lần số thanh tra ủy quyền của bộ so với năm trước, không còn thanh tra của bộ cắm chốt tại các hội đồng thi, lực lượng thanh tra từ 9.000 người của năm 2009 giảm xuống chỉ còn 600 người. Lý do bộ đưa ra là công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã đi vào nề nếp, kỷ cương 3 năm rồi, không cần thanh tra bộ cắm chốt nữa.

Kỳ thi tuyển vào ĐH có độ nghiêm túc hơn hẳn so với tốt nghiệp phổ thông, chúng ta muốn áp dụng một số biện pháp của kỳ thi này vào kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng tôi có cảm giác, kỳ thi vừa rồi bộ đã bỏ đi mất các biện pháp đó, trong đó có công tác thanh tra ủy quyền. Chúng ta muốn có một kỳ thi nghiêm túc thì phải đầu tư. Còn nếu để dễ dãi, muốn có kết quả đẹp thì không nên tổ chức thi nữa. Phải tổ chức thi nghiêm túc mới có kết quả thật.

Tuy kỳ thi năm nay vẫn còn giữ chấm chéo, thi theo cụm… nhưng theo tôi, đã lên một phương án thì phải toàn diện. Một phương án đề ra phải bảo đảm đạt mục tiêu cơ bản đặt ra cho kỳ thi đó, sau đó mới tính đến phương án tiết kiệm, gọn nhẹ, thứ tự ưu tiên phải là như vậy. Việc giảm tối đa thanh tra ủy quyền của bộ có thể ảnh hưởng tới tính nghiêm túc của kỳ thi.

- Thưa ông, dư luận đang đặt vấn đề, thi kiểu dễ dãi, tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng thì nên chăng không cần phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn gây nặng nề, tốn kém?

Tôi cho rằng, đánh giá tốt nghiệp vẫn rất cần thiết. Còn đánh giá bằng kỳ thi tốt nghiệp quốc gia như hiện nay, hay giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp, hay là đánh giá theo học bạ thì phải nghiên cứu lựa chọn. Học thì phải có đánh giá chứ không thể “thả” được.

Tôi vẫn ủng hộ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp để đánh giá kiến thức học sinh. Vì nếu đánh giá bằng học bạ không có mặt bằng nào để có được chính xác, lại phụ thuộc nhiều vào thầy giáo chủ nhiệm và thầy giáo bộ môn, có thể tiêu cực. Nhưng tôi ủng hộ giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh thực hiện, để tránh áp lực, căng thẳng của một kỳ thi quốc gia như hiện nay.

- Có ý kiến đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Chúng ta đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, đã bỏ thi tốt nghiệp THCS. Nếu cũng bỏ ngay kỳ thi THPT nữa thì khi đó không có cơ sở để đánh giá chuẩn kiến thức của học sinh, cũng sẽ không khuyến khích được học sinh học để làm chủ kiến thức. Vì vậy, kiểm tra học sinh bằng một kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết nhưng nếu duy trì cả hai kỳ thi như hiện nay (cả kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia và thi vào ĐH-CĐ) thì căng thẳng quá.

Một kỳ thi phải phù hợp với yêu cầu, mức độ của kỳ thi đó. Hiện nay hoàn toàn có thể giao cho địa phương để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu thực tế của địa phương để ra đề, theo những chuẩn kiến thức chung.

- Nghĩa là ông ủng hộ phương án giao cho tỉnh tổ chức thi tốt nghiệp, còn giữ thi ĐH-CĐ?

Thi ĐH về lâu dài phải trao cho các trường làm, không nên “3 chung” như hiện nay. “3 chung” có cái được là tính thống nhất cao nhưng cái “mất” lớn nhất là các trường không được tuyển đầu vào đúng với nhu cầu đào tạo đặc thù, nhu cầu riêng biệt của mình.

- Bộ GD-ĐT đang có lộ trình gộp 2 kỳ thi (tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH-CĐ) thành một kỳ thi quốc gia, vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào ĐH-CĐ. Theo ông có nên chọn phương án này không?

Về nguyên tắc, đã là một kỳ thi, việc đầu tiên là đặt ra mục tiêu cho kỳ thi đó. Nếu bảo đảm đạt được mục tiêu thì chúng ta mới tính đến việc tổ chức thi càng tiết kiệm, càng gọn nhẹ sẽ càng tốt. Nhưng nếu đặt việc gọn nhẹ, tiết kiệm lên đầu, trên cả mục tiêu của kỳ thi thì theo tôi không cần phải tổ chức thi làm gì. Trong điều kiện của chúng ta và trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc gộp 2 kỳ thi rất khó để đạt được mục tiêu của cả 2 kỳ thi, nhất là kỳ thi vào ĐH-CĐ. Nhưng về lâu dài thì phải tính.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Thảo thực hiện

Thông tin liên quan:

>> ĐBSCL: Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cao

>> Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010: Tỷ lệ đậu cao

>> Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT

Tin cùng chuyên mục