
(SGGPO). - Bộ GD-ĐT vừa công bố phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ (thi tại 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì) để các trường và thí sinh tham khảo trong đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ tới đây.

Kiểm tra giấy báo thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư Phạm TPHCM. Ảnh: Mai Hải
Kết quả cho thấy, trừ các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối thi còn lại đều có điểm trung bình trên 15. Điều này là do phổ điểm các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa lệch về phía điểm cao còn phổ điểm của môn Tiếng Anh lệch về phía điểm thấp. Các đường cong phổ điểm rất đều, không dốc tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xác định điểm trúng tuyển phù hợp với chỉ tiêu của mình.
Theo thống kê này, môn Toán cả nước có 8 điểm 10; 5.438 bài thi đạt điểm đạt trong khoảng 9-10, chiếm 0,95% trong tổng số 569.681 thí sinh dự thi môn Toán. Điểm trung bình môn toán là 5,02.
Môn Văn không có điểm 10 mà cao nhất là 9,5 với 14 em đạt điểm này. Điểm trung bình môn Văn là 5,15.
Môn Sử có 5 điểm 10. Điểm trung bình là 4,32.
Môn Địa có 9 điểm 10. Điểm trung bình là 5,27.
Môn Lý có 14 điểm 10. Điểm trung bình là 6,02.
Môn Hóa có 15 điểm 10. Điểm trung bình là 5,38.
Môn Sinh có 6 điểm 10. Điểm trung bình là 5,26.
Môn tiếng Anh có 10 điểm 10. Điểm trung bình thấp nhất trong tất cả các môn với 3,48 điểm.
Lo lắng hiệu quả dạy và học ngoại ngữ
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phổ điểm năm nay tương đối đều hơn, tất cả các môn có phổ điểm tốt, riêng môn ngoại ngữ có điểm trung bình chưa cao. Kết quả thi môn ngoại ngữ thấp nhất trong các môn một lần nữa khiến xã hội giật mình và lo lắng về hiệu quả dạy và học ngoại ngữ hiện nay trong trường phổ thông, dù chúng ta đã có Đề án quốc gia về dạy và học ngoại ngữ. Đáng chú ý, có rất nhiều bài thi ngoại ngữ bỏ trống phần tự luận và bị điểm liệt, điểm 0 phần thi này, cho thấy nhiều học sinh yếu kém môn ngoại ngữ thực sự.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, tổng thể điểm ngoại ngữ thấp là do môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp nên hầu hết thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia thi ngoại ngữ. Trong đó, có những em dân tộc thiểu số hoặc sống ở miền núi, ở vùng nông thôn, những nơi chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt, nên kết quả thi ngoại ngữ sẽ không cao. Còn các em dự thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học thì điểm thi nhiều em rất tốt. Đề thi năm nay cũng như năm ngoái, bộ cũng muốn kiểm tra phần viết để các em học đều hơn cả 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Thông thường, các em sẽ ưu tiên làm phần trắc nghiệm để kiếm điểm cao hơn bởi phần tự luận chỉ chiếm 20% điểm sẽ làm sau. Nhiều em không đủ thời gian để hoàn thành và bỏ qua phần tự luận chứ không phải đề thi quá khó.
Như vậy kết quả môn ngoại ngữ thấp không phải do đề khó. Kết quả thi môn ngoại ngữ là rất đáng buồn sau khoảng 30 năm phát triển tiếng Anh, bởi hiện tiếng Anh được đưa vào giáo dục phổ thông như một bộ môn từ lớp 3 đến lớp 12; được quy định cho cán bộ viên chức theo Đề án 422 của Chính phủ từ năm 1994; được đưa vào chương trình học của hầu hết các trường đại học và cả sự ra đời của hàng ngàn trung tâm...
| |
PHAN THẢO
Cụ thể, phổ điểm các môn thi của thí sinh tại 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì như sau:







