Thị trường di động Việt Nam - Những “tân binh” sẽ làm nên điều gì ?

Thị trường di động Việt Nam - Những “tân binh” sẽ làm nên điều gì ?

Chưa bao giờ thị trường viễn thông di động Việt Nam lại sôi động như thời gian vừa qua: hết chiêu giảm cước “kỷ lục” lại đến chiêu “tố nhau” giữa các đại gia di động; hết chuyện ồn ào, tranh cãi về sử dụng hạ tầng mạng lại việc quản lý thuê bao trả trước... Thêm nữa, thị trường di động Việt Nam cũng chưa bao giờ lại có nhiều nhà khai thác như thế: 6 đang hoạt động, 1 chuẩn bị cung cấp dịch vụ, và thời gian tới sẽ có thêm 2 mạng nữa nhập cuộc. Đó là con số quá nhiều đối với thị trường như Việt Nam.

Beeline và phép thử mới

Sau sự “tái cấu trúc” của mạng HT Mobile thành mạng Vietnamobile, việc mạng di động thứ 7 của GTel Mobile với thương hiệu “Beeline” với đầu số 0199 sẽ cung cấp dịch vụ vào tháng 7 tới, được xem là một phép thử mới cho thị trường di động Việt Nam. Bởi lẽ, 6 mạng đang khai thác đã được xem là quá nhiều, thêm 1 mạng nữa, không rõ thị trường di động Việt Nam sẽ có những chuyển biến gì? Trong khi dự báo của các nhà nghiên cứu thị trường đều cho rằng, thị trường di động Việt Nam đã đến gần mức bão hòa.

6 mạng đang khai thác gồm: Viettel, MobiFone, VinaPhone, SFone, EVN Telecom và mới nhất là Vietnamobile. Tuy nhiên 3 mạng GSM Viettel, MobiFone, VinaPhone lại đang nắm giữ hơn 80% lượng thuê bao; số còn lại được chia cho các mạng khác. SFone và EVN Telecom đều sử dụng công nghệ CDMA và sau nhiều năm vẫn chưa cho thấy sự “khởi sắc” của mình, nếu như không muốn nói là đang cố gắng “cầm cự”. Vietnamobile, sau việc chuyển đổi công nghệ với những “mất mát” lớn về cả uy tín và tài chính, đang cố chứng tỏ lại mình, nhưng sau 2 tháng hoạt động thì vẫn chưa thể đề cập đến lượng thuê bao.
Sau Vietnamobile, mạng Beeline của GTel Mobile là tân binh của thị trường di động Việt Nam. Ảnh:TRẦN BÌNH

Sau Vietnamobile, mạng Beeline của GTel Mobile là tân binh của thị trường di động Việt Nam. Ảnh:TRẦN BÌNH

Thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) cho biết, đến thời điểm này, tổng số thuê bao điện thoại các loại trên toàn quốc hiện có là 110,7 triệu máy; trong đó thuê bao di động chiếm 87,9%; mật độ điện thoại đạt 129,6 máy/100 dân. Tuy nhiên những nghiên cứu thị trường cho thấy, ở Việt Nam hiện có ít nhất là 30 triệu người dân chưa sử dụng điện thoại di động. Và đây chính là lượng khách hàng tiềm năng mà các mạng di động đang hướng đến.

Cuộc “đại hạ giá” cước hồi đầu tháng 6 của 3 đại gia Viettel, MobiFone, VinaPhone được xem là một hành động để lôi kéo lượng khách hàng này đến với mình. Trong khi những “tân binh” khác, chắc chắn cũng không ngoại lệ, sẽ có những chiêu thức mới để giành khách.

Mạng Gtel Mobile được thành lập vào tháng 7-2008, do liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (GTel thuộc Bộ Công an) và Tập đoàn Vimpelcom (Nga). Vimpelcom tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam để thiết lập và phát triển mạng di động GSM thế hệ mới, với tham vọng sẽ giành 15%-20% thị phần trong vòng 5 năm, tương đương khoảng 20 triệu thuê bao.

Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các mạng di động hiện nay, việc gia nhập thị trường vào thời điểm này là một thử thách lớn đối với Beeline. Và đó được xem là phép thử mới cho thị trường di động Việt Nam với những đáp án đang bỏ ngỏ: giá cước giảm nữa không và giảm thêm bao nhiêu, mạng nào sẽ bỏ cuộc?

“Đáy” bao nhiêu là hợp lý?

Việc giảm cước để cạnh tranh là một xu hướng tất yếu hiện nay ở thị trường di động Việt Nam, nhất là đối với các nhà đầu tư mới như Vietnamobile và Beeline. Bởi với những mạng này, giá cước thấp được coi là yếu tố duy nhất để có thể cạnh tranh với những mạng khác đang nắm giữ quyền chi phối thị trường. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, với 7 mạng di động cùng khai thác thị trường, chắc chắn giá cước di động sẽ còn giảm nữa, nhưng sẽ khó để có một cuộc “đại hạ giá” như Viettel, MobiFone và VinaPhone đã làm hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Ngoài 7 mạng di động nói trên thì có khả năng thời gian tới sẽ có thêm 2 mạng mới nữa. Hiện nay Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện – VTC và Công ty Đông Dương Telecom đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ thông tin di động không cần cấp tần số. Nghĩa là 2 doanh nghiệp này sẽ đi thuê hạ tầng mạng, cũng như tần số của các doanh nghiệp khác, để triển khai dịch vụ di động của mình, bán sản phẩm cho thị trường. Nếu tất cả cùng hoạt động, thị trường Việt Nam sẽ có tới 9 nhà khai thác thông tin di động.

Theo lãnh đạo Bộ TT-TT và các chuyên gia viễn thông, với sự điều chỉnh về quy hoạch, cũng như điều tiết của thị trường, về lâu dài chắc chắn sẽ có sự sát nhập hoặc thôn tính lẫn nhau giữa các mạng di động, bởi con số tối ưu để phát triển là 2 - 4 mạng. Khi đó, mới tập trung được sức mạnh về đầu tư, hạ tầng, nguồn lực con người cho sự phát triển cũng như cạnh tranh bền vững, nhất là khi có sự tham gia của các nhà đầu tư, tập đoàn viễn thông nước ngoài. Trong đó, những mạng không đủ điều kiện cạnh tranh và phát triển sẽ sát nhập lại với nhau để tạo sức mạnh mới; hoặc sẽ sát nhập vào các mạng lớn để tiếp tục tồn tại và phát triển với tên gọi khác; hoặc bị chính các mạng lớn thôn tính?... Những khả năng này chắc chắn đều có thể xảy ra và sẽ không phải chờ quá lâu nữa, bởi xu hướng bão hòa của thị trường di động Việt Nam đã xuất hiện.

Một điều dễ dàng nhận thấy, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và nhiều ngành gặp khó khăn thì lĩnh vực viễn thông di động Việt Nam vẫn đang tiếp tục “ăn nên, làm ra”, cho dù hạ giá cước liên tục. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào để giành phần trong miếng bánh này. Điều đó đồng nghĩa, cuộc chiến giành thị phần (bao gồm số 30 triệu người dân chưa sử dụng điện thoại di động và việc chia sẻ, lôi kéo số người đã sử dụng) giữa các mạng di động sẽ vô cùng quyết liệt, trong đó ưu thế vẫn thuộc về những “đại gia”?

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục