Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, ước đến hết năm 2018, một số chỉ tiêu phát triển của lĩnh vực viễn thông và internet đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra đến 2020. Đáng lưu ý là thị trường di động đã có dấu hiệu bão hoà, chỉ tiêu tỷ lệ thuê bao di động/100 dân dự báo không đạt kế hoạch (đến hết 2018 đạt 132,3 thuê bao/100 dân).
Cụ thể, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động ước đạt 61 thuê bao/100 dân (chỉ tiêu là 35-40 thuê bao). Tỷ lệ người sử dụng internet ước đạt 60% (chỉ tiêu là 55-60%). Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đến trên 99,5% dân số cả nước (chỉ tiêu là 95%). Duy trì tỷ lệ 100% số xã có máy điện thoại.
Một số chỉ tiêu ước sẽ đạt kế hoạch đề ra đến 2020, trong đó tỷ lệ đường dây thuê bao cố định ước đạt 19,9 thuê bao/100 dân (chỉ tiêu là 20-25 thuê bao). Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định ước đạt 14 thuê bao/100 dân (chỉ tiêu là 15-20 thuê bao).
Một số chỉ tiêu kết quả thực hiện thấp hơn so với dự kiến và dự báo không đạt kế hoạch đến 2020 bao gồm: tỷ lệ thuê bao di động ước (chỉ tiêu đến 2020 là 140 thuê bao). Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định ước đến hết năm 2018 đạt 9,3% (chỉ tiêu là 40-45%). Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập internet đạt 33% (chỉ tiêu 35-40%).
Trong thời gian tới, cần có sự điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển này (như tỷ lệ thuê bao điện thoại di động và cố định) để phù hợp với thực tế.
Đơn cử, do hiện nay thị trường di động đã đạt tới ngưỡng bão hòa (thuê bao), các nhà mạng cạnh tranh chủ yếu thông qua gói cước, chất lượng dịch vụ và công tác chăm sóc khách hàng và thị trường viễn thông sẽ có sự dịch chuyển mạnh từ nhóm dịch vụ thoại sang nhóm dịch vụ phi thoại.
Hơn nữa, trong khoảng hơn một năm qua có hiện tượng tăng nhanh số thuê bao di động là do doanh nghiệp di động đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G và Bộ đang chuẩn bị triển khai kế hoạch chuyển đổi mã mạng, song xu hướng tăng này sẽ không tiếp tục bởi chính sách khuyến mại mới lớn hơn cho thuê bao di động trả sau, chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao…