
Cơn sốt khan hiếm lao động, thiếu hụt nguồn tuyển, nhất là lao động phổ thông đang lan tỏa ở khắp các địa phương. Trong khi đó nghịch lý đang tồn tại là tỷ lệ lao động thất nghiệp từ thành thị đến nông thôn vẫn còn cao và người cần việc còn rất lớn. Đâu là nguyên nhân khiến cho thị trường lao động ở nước ta lệch pha, diễn biến phức tạp?

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở các doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Xu hướng tìm việc gần nhà
Trong vòng 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà tuyển dụng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế… và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc chí Nam đều có chung nỗi lo tuyển không ra lao động. Nóng nhất là các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) ở TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi (Dung Quất)…
Để có nguồn lao động, nhiều nhà tuyển dụng, các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm phải đích thân đến tận các địa phương, vùng sâu, vùng xa để chiêu mộ lao động. Thế nhưng, dù mời chào và chiêu dụ lao động với mức lương tạm gọi là cao (trên 2 triệu đồng/tháng, kể cả bao ăn ở…), người lao động vẫn làm ngơ.
Giải thích điều này, bà Ngọc Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm HEPZA TPHCM cho biết: “Lý do khiến lao động thất nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL từ chối cơ hội việc làm ở TP là do ở nơi họ cư trú, nhiều nhà máy, khu KCN mới đã mở ra đang cần tuyển người với mức lương cũng tương đương ở TPHCM”.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Dự báo quốc gia và thông tin thị trường lao động nhận định rằng dòng chảy lao động nhập cư đang đổi chiều và lực hút - đẩy lao động đang có xu hướng xích lại gần nhau. Trước đây do thiếu việc làm, thu nhập ở các đô thị cao hơn nên dòng chảy lao động nhập cư chỉ có một hướng duy nhất đổ dồn về các TP lớn. Còn bây giờ ở phía Bắc, miền Trung, người lao động có thể tìm được việc làm tại chỗ hoặc các khu vực lân cận mà không cần xa nhà do nhiều KCN mới mọc ra, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã khởi động đi vào hoạt động.
Mặt khác, nhiều chuyên gia về lao động còn lý giải rằng giá nhân lực - mặt bằng thu nhập bình quân trên thị trường lao động ngày càng sát với giá trị lao động nên lao động trẻ không còn mặn mà làm công nhân ở nhà máy. Họ quay về với các ngành nghề truyền thống, làm dịch vụ hoặc tham gia khu vực kinh tế phi chính thức như buôn bán nhỏ, giúp việc nhà, làm hàng gia công…với thu nhập khoảng 80.000 - 120.000 đồng/ngày và không bị ràng buộc bởi các yêu cầu về trình độ, kỷ luật, tác phong công nghiệp, thời gian tăng ca.
Đó là chưa kể lực hút và cơ hội việc làm đang mở rộng từ các khu vực dịch vụ, thương mại đa dạng, trong đó DN nhà nước cũng là kênh thu hút lao động do thu nhập đã được cải thiện - cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Rõ ràng khi lực hút và lực đẩy của thị trường lao động đã tương tác theo hướng sát với thực tế thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn và người tìm việc cũng dễ từ bỏ chỗ làm việc cũ không hấp dẫn để tìm đến nơi có điều kiện, thu nhập tốt hơn. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến biến động thiếu hụt lao động phổ thông đang diễn ra ở TPHCM nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Đã đến lúc nguồn lao động phổ thông dồi dào không còn là lợi thế? Ảnh nhỏ: Nhiều KCX-KCN thông báo tuyển công nhân liên tục nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Ảnh: VIỆT DŨNG - CAO THĂNG
Mặt khác, khảo sát nhiều lao động đã từng làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và KCX-KCN ở TPHCM, nay chuyển nghề hoặc hồi hương về quê ở các tỉnh miền Trung, phía Bắc, chúng tôi nhận được câu trả lời khá giống nhau: Vật giá leo thang liên tục, nếu trụ lại với cuộc sống ở các TP lớn thì không nổi. Với mức lương bình quân, dao động khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, phần lớn công nhân lao động nhập cư không thể trang trải nổi tiền thuê nhà, điện nước lẫn các khoản chi phí sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày.
Nhiều người làm bài toán so sánh: 5 năm về trước, nhận mức lương khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, công nhân có thể sống đủ hoặc có chút tích lũy. Còn bây giờ, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm tăng gấp 2 - 3 lần nên dù thu nhập có tăng hơn những năm trước khoảng 1 triệu đồng/tháng cũng không thể trụ lại ở TP. Do phải đối mặt với áp lực giá cả tăng nhanh, trong khi tiền lương, thu nhập tăng chậm, cộng thêm áp lực tăng ca - sức khỏe suy giảm, nhiều lao động nữ đã chọn đường quay về quê. Tuy nhiên, khi dòng lao động nhập cư có xu hướng quay ngược về nông thôn thì áp lực giải quyết vấn đề việc làm ở các địa phương nghèo cũng nặng thêm.
Xài người theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”
Phải thừa nhận chính yếu tố Việt Nam (VN) có nguồn vốn nhân lực trẻ dồi dào, giá rẻ đã hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều năm qua, VN là một trong những quốc gia ở khu vực thu hút nguồn vốn FDI cao nhất. Thế nhưng, đằng sau những con số tăng trưởng nhanh và thu hút dự án FDI này, chúng ta chưa có đợt khảo sát, đánh giá khoa học về bức tranh đời sống, việc làm của hàng trăm ngàn lao động ở các KCX-KCN trong cả nước. Sau những năm tháng làm việc trong môi trường công nghiệp - cường độ làm việc cao, tăng ca liên tục, người lao động được cái gì và mất cái gì? Vì sao ở các KCX-KCN số lao động không nghề chiếm phần lớn?
Nhìn vào thực tế TPHCM - nơi thu hút vốn FDI cao nhất, hiệu quả nhất, chúng ta rút ra điều gì? Mổ xẻ những vấn đề liên quan đến lao động giá rẻ - lợi thế thu hút dòng vốn FDI vào VN, nhiều chuyên gia lao động cảnh báo rằng: Cái giá mà chúng ta phải trả cho việc sử dụng lao động rẻ rất đáng báo động. Vì chạy theo lợi nhuận, tận dụng lao động giá rẻ ở VN nên nhiều chủ sử dụng lao động trong nước và ở khu vực FDI chỉ biết vắt kiệt sức nhân công mà thiếu chăm lo, giữ chân họ lâu dài bằng chế độ đãi ngộ hợp lý. Không chỉ có lỗi của nhà đầu tư. Xung quanh chuyện thu hút đầu tư bằng mọi giá, TPHCM cũng như các địa phương lân cận chỉ chú trọng đến khâu duyệt dự án, ưu ái với những dự án có số vốn đầu tư lớn mà xem nhẹ việc chuẩn bị nguồn nhân lực, quỹ đất xây nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân…
Lật lại vấn đề - cách đây khoảng 6 năm, khi dòng vốn FDI chảy vào chưa cao và để thu hút các dự án với số vốn lớn, lãnh đạo một số địa phương đã hứa quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc của nhà đầu tư như thiếu nhân công lao động, tạo quỹ đất để xây nhà lưu trú, nhà trẻ…Thế nhưng, đến nay, sau thâm niên 5 - 10 năm lao động cật lực, bán rẻ sức lao động ở các KCX-KCN, đội ngũ công nhân lao động được gì? Thực tế nhức nhối là chỗ ăn, chỗ ở nhếch nhác và hành trang tích lũy về tay nghề cũng chẳng có gì đáng giá! Do các nhà đầu tư chỉ cần lao động phổ thông - không cần nghề để làm việc trên dây chuyền sản xuất đòi hỏi thao tác đơn giản nên hầu hết người lao động ở các KCX-KCN không có điều kiện nâng cao tay nghề.
Vì thế, sau khi rời khỏi dây chuyền sản xuất, người lao động vẫn hoàn không nghề, tay trắng. Kết quả khảo sát của Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM –HEPZA về thực trạng công nghệ của hơn 400 DN đang hoạt động trên địa bàn TP cho thấy chỉ có 1% DN đạt yêu cầu công nghệ tiên tiến; 51% lạc hậu, số còn lại đạt trung bình khá. Nhìn vào thực trạng này, chúng ta có thể thấy mục tiêu chuyển hóa lao động từ không nghề ở các KCX-KCN thành lực lượng có nghề, kỹ năng, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa xem ra khó hiện thực.
K.Bình - V.Thanh
Sàn giao dịch việc làm TPHCM năm 2010 Ngày 21-3, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TPHCM đã bế mạc sàn giao dịch việc làm năm 2010. Có 54 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp trên 18.300 lao động và 63 doanh nghiệp đăng tuyển qua website (www.sieuthivieclam.vn) 1.800 lao động. Kết quả, trên 6.650 người đăng ký phỏng vấn trực tiếp và 3.970 người đăng ký ứng tuyển qua website. Trong đó, 3.663 người lao động trúng tuyển tại chỗ, tập trung các ngành nghề như: kỹ thuật điện - cơ khí, công nghệ thông tin, bán hàng, văn phòng, kế toán, công nghệ sinh học… * Tại ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm năm 2010”, do Quận đoàn 1 (TPHCM) tổ chức cùng ngày, 20 doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia tuyển dụng trên 3.000 lao động. Th.Hợp |