
Đây là thông tin rất bất ngờ đối với nhiều người, nhất là trong hoàn cảnh thị trường ti vi VN rơi vào cảnh ảm đạm trong gần 2 năm lại đây. Dưới tác động của việc giảm thuế theo hội nhập, hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước đổ về ngày càng nhiều khiến cho không ít DN điện tử trong nước rơi vào khó khăn; thậm chí nhiều DN có nguy cơ đóng cửa.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Wang Cheng - Tổng Giám đốc TCL VN lại đưa ra những nhận định rất khả quan về triển vọng thị trường ti vi và lợi thế đầu tư của VN.
Ông Wang Cheng cho biết, hiện TCL VN đang có một cơ sở sản xuất với dây chuyền công suất 600.000 ti vi/năm và đã tiêu thụ trên thị trường VN khoảng 1 triệu chiếc ti vi với nhiều chủng loại ti vi màn hình cong, màn hình phẳng, LCD... và TCL đang dự định nâng công suất lên 1 triệu chiếc/năm.
Thực tế sản xuất kinh doanh của công ty chính là yếu tố đầu tiên đã cho thấy VN là một thị trường tiềm năng. Điều quan trọng hơn, trong những năm qua, VN là một nước có tốc độ giảm tỷ lệ đói nghèo rất nhanh, từ khoảng 60% xuống 20%. Nhờ đó, một bộ phận rất lớn các hộ gia đình đã được nâng cao mức sống và điều này sẽ tạo ra một nhu cầu và thị trường rộng lớn cho các sản phẩm ti vi.
Bên cạnh đó, VN còn biết đến là một quốc gia phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhu cầu của người dân sẽ tăng lên, thị trường ti vi cũng như các sản phẩm điện tử sẽ có cơ hội. Thị trường ti vi VN còn rất nhiều tiềm năng, sự trầm lắng chỉ biểu hiện trong một giai đoạn ngắn. Vấn đề là phải đưa ra được các sản phẩm tốt, có tính đặc thù, đa dạng để có thể đáp ứng được nhiều đối tượng.
VN hiện đã là thành viên của WTO và tham gia rất nhiều cơ chế hội nhập khác. Điều này có ý nghĩa rất lớn, nó khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh tại VN sẽ tuân theo các tiêu chuẩn của quốc tế, tạo lòng tin và thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Với quá trình tham gia của VN vào toàn cầu hóa thì giá thành đầu tư ở VN hay các nước Đông Nam Á sẽ không có sự khác biệt nhiều.
Điều quyết định còn lại là các chính sách ưu đãi đầu tư, quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế... và chúng tôi cảm nhận được những thuận lợi và tin tưởng vào chính sách ưu đãi đầu tư và cam kết của Chính phủ VN. Bên cạnh đó, VN có những lợi thế riêng như ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc, nhân lực có tay nghề và chăm chỉ...
Sau khi gia nhập WTO các điều kiện thuế quan sẽ giảm xuống, tạo sức ép cho nhiều DN. Nhưng các tập đoàn lớn vẫn đến VN rất nhiều. Vấn đề là phải có bước đi hợp lý và hướng tới và chiến lược lâu dài.
Ở VN, người tiêu dùng luôn muốn mua sản phẩm thương hiệu quốc tế nhưng giá cả VN. Trước hết, ti vi LCD đang giảm giá mạnh không chỉ ở VN mà cả trên thế giới. Nguyên nhân là nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp các nhà máy sản xuất màn hình giảm giá thì tất cả các nhà lắp ráp đều giảm. Tôi có thể nói rằng, với tốc độ cải tiến kỹ thuật nhanh chóng thì giá LCD sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Tuy nhiên mức giảm tiếp theo như thế nào thì khó nói vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường ngoài sản xuất. Nếu trong thời gian tới, nhu cầu lên, các DN sẽ tăng sản lượng cũng là điều kiện để giảm giá.
Thực tế thị trường cho thấy, những mặt hàng LCD nào có nhu cầu lớn thì giá cả cũng có biến động lớn theo chiều giảm. Trước đây, loại LCD trên 20 inches nhiều người mua và giá đã giảm nhanh và đi đến ổn định, nay đến loại 30-40 inches cũng đang trong xu thế đó và sẽ ổn định trong 1-2 năm nữa. Còn những loại cỡ lớn hơn giá vẫn còn cao. Như vậy, việc giảm giá mạnh vào những model đang nóng cũng là một thuận lợi cho người tiêu dùng.
PHƯỚC HÀ - DUY ANH