Thị trường viễn thông di động - Sau giảm cước là chuyện gì?

Viettel “kịch chiến” với MobiFone
Thị trường viễn thông di động - Sau giảm cước là chuyện gì?

Đầu tháng 6 vừa qua, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã thực sự “sốc” khi khi cả 3 “đại gia” Viettel, MobiFone, VinaPhone cùng đua nhau giảm cước với mức giảm chưa từng có, tới 30%. Và rồi, sau cú giảm cước đó, các mạng bắt đầu lại “tố nhau” về chuyện cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhau trên thị trường...

Viettel “kịch chiến” với MobiFone

Khách hàng tại điểm giao dịch của một mạng điện thoại di động. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khách hàng tại điểm giao dịch của một mạng điện thoại di động. Ảnh: VIỆT DŨNG

Câu chuyện bắt đầu khi mới đây, Viettel có công văn gửi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Thanh tra Bộ TT-TT “tố” MobiFone đã vi phạm pháp luật về thương mại, quảng cáo và cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Viettel.

Cụ thể Viettel cho biết: Thời gian qua, tại một số tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long… xuất hiện các poster quảng cáo giá cước dịch vụ mới của MobiFone. Trên những poster này có nội dung so sánh trực tiếp giá cước của MobiFone với giá cước dịch vụ của Viettel.

Nghiêm trọng hơn là tại Hải Dương, MobiFone thực hiện bán hàng lưu động với chương trình “Đổi sim mạng khác lấy sim MobiFone có 230.000 đồng trong tài khoản”. Cụ thể khách hàng có sim của mạng khác (trong đó có Viettel), còn tài khoản dưới 15.000 đồng và còn hạn sử dụng, có thể đổi miễn phí 1 sim MobiZone của MobiFone có sẵn tài khoản 50.000 đồng, mỗi tháng tặng thêm 15.000 đồng trong 12 tháng...

Viettel cho rằng, Luật Cạnh tranh năm 2004 xác định hành vi so sánh trực tiếp dịch vụ của mình với dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Theo tìm hiểu của PV SGGP, việc MobiFone có những hành vi trên là thật. Tuy nhiên, lật lại thời gian và các tài liệu liên quan, thì trước đây, chính Viettel cũng từng khá nhiều lần áp dụng những “tiểu xảo” giống như MobiFone vừa áp dụng.

Cụ thể năm 2006, Viettel cũng đã quảng cáo so sánh giá cước ở Bắc Kạn và bị Bưu điện Bắc Kạn phản ứng mạnh mẽ. Sau đó là việc Bưu điện Bình Thuận phản ánh hiện tượng nhân viên Viettel lắp vào điện thoại của khách hàng VNPT thiết bị tự động chuyển cuộc gọi sang dịch vụ VoIP 178 của Viettel.

Hay như trước đây, Viettel cũng áp dụng chiêu thức “đổi số” cho khách hàng mạng di động khác sang Viettel mà vẫn giữ nguyên số kèm khuyến mại... Nói cách khác những vi phạm của MobiFone là “mới”, nhưng với Viettel là “cũ”.

Trong khi đó, ngày 19-6, đại diện EVN Telecom đã cung cấp những thông tin được xem là “sốc”. Theo ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó Giám đốc EVN Telecom, sau khi EVN Telecom triển khai khá thành công dịch vụ E-Com (điện thoại cố định không dây) thì Viettel triển khai loại hình tương tự có tên là HomePhone, và điều đáng nói là một số nhân viên của Viettel đã đến các gia đình thuyết phục chủ nhân cắt dịch vụ E-Com, chuyển sang dùng HomePhone.

Ông Nghĩa cho biết, các nhân viên Viettel đã “tiến hành” tặng máy và miễn cước phí thuê bao HomePhone trong thời gian dài khi khách hàng cắt dịch vụ E-Com của EVN Telecom. Bằng chiêu thức này, EVN Telecom đã bị mất nhiều khách hàng.

“Cuộc chiến” sẽ còn tiếp diễn?

Trong một diễn biến khác, hôm qua 19-6, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết là đã nhận được công văn của Viettel và cục này sẽ làm việc với Viettel, đồng thời tuần tới sẽ làm việc với MobiFone. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định sẽ làm rõ các vấn đề, nếu xác định rõ hành vi vi phạm thì cơ quan này sẽ xử lý.

Nhìn lại toàn bộ vấn đề, chúng ta có thể thấy, dường như các “tiểu xảo” trong cạnh tranh đã trở thành thứ vũ khí lợi hại được các mạng di động áp dụng khá phổ biến. Điều đó có nghĩa, còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng pháp lý mà hầu như các doanh nghiệp đều dễ dàng tìm thấy và lách qua.

Một điều rõ ràng, khi Viettel chính thức có công văn gửi đi, thì nghĩa là cuộc chiến giữa các mạng di động Việt Nam vẫn đang có tiếp diễn, và mẫu thuẫn đó tiếp tục tồn tại. Đó là sự cạnh tranh trong thị trường, nhưng để đảm bảo cho việc cạnh tranh đó công bằng và lành mạnh, rất cần sự “ra tay” của các cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương và Thanh tra Bộ TT-TT.

Việc giảm cước di động đương nhiên sẽ có lợi cho người tiêu dùng nhưng đó không phải là điều duy nhất người tiêu dùng chờ đợi. Sau những đợt giảm cước trước đây cùng hàng loạt các chương trình khuyến mãi đã và đang được tung ra, chưa bao giờ người dân Việt Nam lại được tiếp cận với dịch vụ di động một cách dễ dàng như thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, tung ra những chiêu giảm cước lúc này không phải là chủ trương tốt đẹp phục vụ “thượng đế” của các mạng lớn hiện nay, mà thực chất là để triệt hạ đối thủ (những đối thủ nhỏ như S-Fone, Vietnam Mobile, EVN Telecom và những đối thủ chuẩn bị bước vào thị trường như GTel), đồng thời tìm cách “thâu tóm” nốt số người tiêu dùng còn chưa sử dụng dịch vụ.

Chính ông Lâm Hoàng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, kiêm Giám đốc mạng VinaPhone cũng thừa nhận rằng, vấn đề với các mạng di động bây giờ không phải là giảm cước mà phải đem đến cho người tiêu dùng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng tiện ích hơn, giá rẻ hơn. Nhưng điều này người tiêu dùng sẽ phải chờ đợi đến bao giờ? Liệu cước rẻ có đi kèm với chất lượng dịch vụ tăng hay là ngược lại?

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục