Thống kê nguyện vọng vào lớp 10 tại TPHCM cho thấy, hàng ngàn học sinh (HS) chọn trường chưa phù hợp. Một lần nữa, ngay từ bậc học phổ thông, những khuôn mặt non nớt lại rúm ró suy tư cách chọn trường: Chọn trường top trên hay top dưới?
- Né trường “top” trên
Chọn trường vừa sức học hay đảm bảo an toàn có chắc 1 suất trong trường công lập, luôn là câu hỏi ám ảnh các bậc phụ huynh có con em sẽ bước vào kỳ thi tuyển lớp 10.
Một nghịch lý đã diễn ra ở các kỳ thi trước, chọn trường quá cao thì dễ rớt, còn quá thận trọng lại sợ đánh mất cơ hội học trường phù hợp. Điều đó như một bài toán đố mà kể cả các chuyên gia cũng không thể dự đoán trước.
Thầy Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), khuyên: Phụ huynh nên căn cứ vào điểm thi học kỳ II có thể dự đoán điểm tuyển sinh của HS, bằng cách cộng điểm toán và ngữ văn (hệ số 2) và điểm môn ngoại ngữ, trừ hao 2 - 3 điểm vì đề thi tuyển lớp 10 sẽ khó hơn đề thi học kỳ II. Sau đó, lấy số điểm ước tính đối chiếu với điểm chuẩn năm rồi của các trường để lựa chọn. Nếu HS chọn NV1 theo sở thích thì phụ huynh cần cẩn trọng hơn ở nguyện vọng 2 và 3 để tránh trường hợp HS bơ vơ không có chỗ học.
Việc “thực hành” bài học kinh nghiệm của các chuyên gia không phải dễ. Chị Tam (quận Bình Thạnh) phát hoảng khi Trường THPT Trưng Vương mà con chị đăng ký NV1 có số HS đăng ký NV1 cao gấp đôi chỉ tiêu, 2 NV còn lại cũng thu hút đông HS. Mặc dù con chị có học lực khá, nhất là 2 môn chính toán và ngữ văn, nhưng lo thì vẫn lo.
“Cả nhà đã nghiên cứu hết các bảng tổng hợp điểm chuẩn, tỷ lệ chọi của năm trước, thấy điểm chuẩn vừa với sức học nên chọn, giờ đăng ký đông quá. Tôi phân vân có nên đổi sang trường khác không, vì lỡ có nhiều người đổi giống mình thì cũng bằng không”, chị Tam lo lắng.
Để tránh dự báo bỗng trở nên trật lất, nhiều phụ huynh và HS đã chọn cách né các trường top trên - sân chơi chỉ dành cho những HS giỏi. Trường THCS Lê Lợi (quận 3) có tỷ lệ HS giỏi trên 50%, nhưng năm nay nhiều em lại e ngại khi nộp nguyện vọng vào trường chuyên. Nguyên nhân, theo Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Hà, chỉ tiêu các trường công lập giảm xuống nên phụ huynh đã cẩn trọng hơn khi đăng ký, chỉ có 70HS/480 HS đăng ký vào trường chuyên, giảm gần 200 HS so với các năm trước.
Khi trường công “rộng cửa”, phụ huynh mạnh dạn cho con thử sức với trường chuyên vì nếu rớt vẫn còn cơ hội vào trường công lập, nhưng năm nay, dù lực học con em thuộc loại khá, giỏi cũng không dám mạo hiểm. Không riêng trường chuyên, nhiều HS loại khá cũng “né” luôn các trường công lập dẫn đầu hàng năm như THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Bùi Thị Xuân…
Thầy Trần Mậu Minh chỉ ra xu hướng hiện nay, những HS giỏi không quá xuất sắc trở nên thận trọng hơn, tập trung tìm chắc chỗ học ở các trường top giữa. Do đó, những trường như THPT Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Du, Hoàng Hoa Thám, Phú Nhuận thu hút đông HS. Vì thế, điểm chuẩn của các trường này những năm gần đây được nâng lên, đều lấy từ 30 điểm trở lên.
Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Việc lấy điểm chuẩn lớp 10 cao hay thấp tùy thuộc nhiều yếu tố (đề thi khó, số HS dự thi vào từng trường, chất lượng HS…). Thực tế năm học trước cho thấy, sau khi có kết quả điểm thi lớp 10, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn thấp hơn 2-4 điểm vì đề thi được đánh giá là khó hơn mọi năm. Tuy nhiên, năm nay sự lo lắng về chỉ tiêu trường công giảm, cũng như để chắc vào được lớp 10 công lập, nhiều HS, phụ huynh đã né trường trung tâm, trường chuyên, thậm chí chấp nhận học xa nhà.
- Không chọn... trường gần
Trong khi trường top trên được lựa chọn người học thì các trường top dưới lại trông chờ vào NV2-3. Thế nhưng theo các nhà giáo dục, HS có học lực khá trở lên ít khi nào rớt đến NV3 nên các trường này đã thua ngay trên sân nhà.
Đơn cử như tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), từ năm đầu tiên tuyển sinh 2004 đến nay, chưa năm nào có đến 150 HS đăng ký NV1 vào lớp 10. Hầu hết HS THCS giỏi ở quận 4 đều nhắm đích đến các trường có tiếng ở quận trung tâm. Số HS khá còn lại “đua” vào Trường THPT Nguyễn Trãi và càng hiếm chuyện thu hút HS từ quận khác đến đây. Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tuyển chủ yếu nhờ NV2, 3 khi các em đã hết cơ hội vào các trường lớn…
ThS Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, chỉ rõ nghịch lý: “Thực tế, các trường nội thành thuộc top dưới như Nguyễn Hữu Thọ, bán công Hàn Thuyên… thậm chí còn tuyển HS có chất lượng không bằng các trường ở ngoại thành. Nếu điểm chuẩn ở mức trên dưới 20 thì trường chỉ tuyển tối đa được trên 25 điểm là cùng, số HS đạt điểm cao hơn đã có những trường top cao hơn vớt hết. Trong khi đó, HS ở ngoại thành như Nhà Bè, Cần Giờ, chỉ xét tuyển cũng đã có được những HS từ trung bình đến giỏi nhất, vì các em không có nhiều cơ hội lựa chọn và phân hóa trường lớp như ở nội thành”.
Điều đó kéo theo chất lượng đầu ra sẽ không cao nhưng trở thành tiêu chuẩn để phụ huynh đánh giá lựa chọn trường. Vòng lẩn quẩn cứ lặp lại khiến các trường top dưới luôn đìu hiu. Dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường THPT Nguyễn Hữu Thọ được cải thiện, liên tục tăng từ 83% lên 96%, nhưng năm nay NV1 của trường cũng chỉ hơn 110 HS đăng ký.
Tương tự, trường THPT Tân Phong (quận 7) nhiều năm chỉ thu hút hơn 100 HS đăng ký NV1 nên điểm chuẩn cũng chỉ từ 19-20,5 điểm, năm nay có 93 HS đăng ký NV1. Trường THPT Phước Kiển tính hết cả 3 NV cũng chỉ vừa hơn được chỉ tiêu…
Theo các chuyên gia tuyển sinh, hạn chế của thi tuyển theo 3 NV chính là người học không dự đoán chính xác nguyện vọng, ít nhiều phụ thuộc vào yếu tố may rủi, điều này dễ đào sâu sự chênh lệch chất lượng giữa các trường. Tuy nhiên, hình thức xét tuyển chỉ có thể áp dụng cho các quận ngoại thành hoặc địa bàn đầy đủ trường lớp đạt chuẩn, trong khi nghịch lý thấy rõ là khu vực nội thành TPHCM tập trung quá nhiều trường lớp nổi tiếng, tốt; còn hệ thống trường lớp ở các quận nghèo, tập trung nhiều dân KT3 khó kham hết số HS.
Phụ huynh và HS chọn trường dự thi vào lớp 10 không thể giống một chuyên gia lập kế hoạch tuyển sinh. Cách để họ áp dụng là dựa vào những kinh nghiệm, số liệu năm cũ để dự báo cho tình hình mới. Dự báo có thể sai, dù là 3 NV cũng không có cơ hội vào được ngôi trường mong muốn nhất.
Theo thầy Trần Mậu Minh, chúng ta chỉ nên áp dụng hình thức thi tuyển với các trường top trên để lựa chọn HS giỏi, trường top dưới được áp dụng hình thức xét tuyển theo địa bàn cho nhẹ nhàng. Những HS có học lực trung bình muốn vào trường bình thường cũng bị bắt ép phải thi thì vất vả quá, chúng ta nên chuyển hóa dần để HS cấp 2 lên cấp 3 bớt áp lực thi cử
TIÊU HÀ – NGUYỄN THỦY