Giới trẻ - thanh niên ở TPHCM bây giờ chơi gì và chơi ở đâu phù hợp là câu hỏi khiến nhiều người, các bậc phụ huynh luôn trăn trở. Thời hội nhập, nhu cầu vui chơi giải trí của giới trẻ không chỉ đa dạng, phong phú mà còn đòi hỏi cao hơn. Đáp ứng bằng cách nào?
Giới trẻ cần gì?
Sau những giây phút học hành căng thẳng, đối phó với thi cử hoặc làm việc miệt mài, học sinh, sinh viên và thanh niên nói chung đều mong muốn có nơi để xả stress, giải trí lành mạnh. Từ đòi hỏi chính đáng này, nhiều nhà giáo dục, tâm lý xã hội kiến nghị phải tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh để thỏa mãn nhu cầu giải trí, phát triển trí lực hài hòa của giới trẻ. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ. Theo ông Mai Sinh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, trước đây nhu cầu vui chơi, giải trí của thanh niên khá đơn giản. Còn bây giờ trong xu thế hội nhập, giao lưu với thế giới, nhu cầu của lớp trẻ không chỉ phong phú, đa dạng mà ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao. Vì thế, thiết kế sân chơi cho họ phải đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, trong đó có nhiều loại hình phong phú, mới lạ với các thiết bị, kỹ thuật nghe nhìn, tập luyện… hiện đại. Điểm qua các sân chơi hiện có là trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, nhà văn hóa của các quận, huyện, phường xã, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư chưa bài bản và các loại hình sinh hoạt còn nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thanh thiếu niên trên địa bàn.
Do thiếu sân chơi và thiếu loại hình hấp dẫn, bắt kịp xu hướng thích trải nghiệm, thích điều mới lạ hay cảm giác mạnh…, nhiều nhóm thanh niên, học sinh, sinh viên tự tạo cho mình sân chơi riêng, phù hợp với sở thích, đam mê. Những sân chơi tự phát này được hình thành từ những nhóm yêu thích thể thao, bơi lội, ca nhạc, khiêu vũ, trượt patin, thử tài các trò chơi mới hay đua ngựa, đua xe… Tuy nhiên, những sân chơi tự phát này nếu không có “đội trưởng” có tầm, có tâm dẫn dắt đi đúng hướng thì cũng có lúc họ dễ vượt quá ranh giới cho phép, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Loại hình trải nghiệm “tốc độ” cao trong đua xe máy trái phép là điển hình. Vì muốn làm yêng hùng đường phố, nhiều thanh niên đã bỏ mạng hoặc bị thương tật suốt đời vì đam mê tốc độ. Đề cập đến nạn đua xe trái phép và xu hướng thích trải nghiệm ngông cuồng của giới trẻ, có ý kiến cho rằng để chấm dứt tình trạng này nên chăng tạo sân chơi đua xe tốc độ, thay vì để họ tự phát, lấy đường phố làm sân chơi? Để tìm hiểu nhu cầu, xu hướng giải trí của giới trẻ TP, Thành đoàn TPHCM đã thử khảo sát các nhóm, câu lạc bộ tự phát với những đam mê khác nhau ở công viên, đường phố với mong muốn tập hợp họ lại nhưng không thành. Nguyên do là các đội nhóm này hoạt động rải rác, số lượng ít nên khó tập hợp. Khảo sát môi trường học đường, nhất là đối tượng học sinh cấp 3 và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, nhận thấy sân chơi - nơi giải trí sau giờ học chưa nhiều và còn nghèo nàn về loại hình, nội dung.
Dẫn dắt đúng hướng
Muốn vùng vẫy, muốn trải nghiệm, muốn tìm trò chơi hấp dẫn - cảm giác mạnh, giới trẻ phải đến đâu? Đây là câu hỏi cần phải suy ngẫm và tìm lời giải trước đòi hỏi ngày càng cao của giới trẻ thời @. Nhiều nhà giáo dục, nhà tâm lý cho rằng, cần phải hiểu các em muốn gì, cần gì để đáp ứng. Chúng ta không chạy theo thị hiếu của các em nhưng cần nghiên cứu, điều tra tổng quát về nhu cầu, xu hướng giải trí, vui chơi của giới trẻ để đầu tư chọn lọc, định hướng cho các em.
Là điểm đến quen thuộc với nhiều sân chơi lành mạnh, hiện Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM thành lập được 33 đội nhóm, câu lạc bộ với trên 3.000 học viên tham gia. Nhờ đầu tư đổi mới các loại hình sinh hoạt, thể nghiệm nhiều sân chơi mới, hấp dẫn cho giới trẻ, mỗi năm, nơi đây đã thu hút trên 4 triệu lượt người tham gia, trong đó trên 60% là thanh niên, sinh viên, học sinh. Đến địa chỉ này, giới trẻ được thỏa mãn nhu cầu giao lưu, đối thoại, vui chơi, giải trí lành mạnh, nhất là thỏa mãn đam mê du khảo, thể thao, ca nhạc, nhảy múa, thi thố tài năng, sở thích thơ ca… Theo ông Mai Sinh, những người làm công tác thanh niên ở đây vẫn còn nhiều trăn trở vì chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đông đảo giới trẻ cần sân chơi phù hợp. Vì sao nhiều sân chơi dành cho thanh thiếu niên ở các quận huyện chưa thu hút giới trẻ? Ngoài việc đầu tư thiếu bài bản, thiếu hỗ trợ về kỹ thuật, thiết bị hiện đại thì các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thiếu thủ lĩnh - người hướng dẫn các loại hình, đội nhóm hoạt động hiệu quả. Chính vì thế, các ngành chức năng cần phải xem lại việc đầu tư sân chơi cho thanh thiếu niên ở các địa bàn sao cho phù hợp. Thay vì đầu tư dàn trải, nơi nào cũng có cái “vỏ” - nhà văn hóa, trung tâm văn hóa nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa hết công suất, cần phải khảo sát, đầu tư có trọng điểm để tạo ra những sân lành mạnh, phù hợp với giới trẻ thành phố. Có như thế các em mới có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu chính đáng, nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện kỹ năng sống và sống có ích cho xã hội.
Khánh Hà