Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ

Thiếu hiệu quả chủ yếu do lỗi chủ quan

Thiếu hiệu quả chủ yếu do lỗi chủ quan

Cuối cùng thì những sai phạm, thiệt hại của chương trình đánh bắt hải sản xa bờ đã được đánh giá một cách toàn diện. Ngày 10-6, Thanh tra Chính phủ đã ký bản kết luận chỉ rõ các sai phạm, tồn tại trong chương trình kinh tế có số vốn tín dụng ưu đãi đã được giải ngân 1.345,3 tỷ đồng ở 29 tỉnh, thành phố và 2 bộ.

Trước đây, Bộ Thủy sản thường lấy những lý do khách quan để giải thích về tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả của chương trình thì nay - trong kết luận nói trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định ngược lại.

  • Lỗ ngay từ trước khi thực hiện dự án

Theo kết luận thanh tra, chương trình được coi là “nhà máy đường trên biển” này qua 7 năm thực hiện, đến nay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã dành cho lên tới 1.345,3 tỷ đồng. Song trong số này có trên 414 tỷ đồng nợ quá hạn và trên 375,4 tỷ đồng lãi vay chưa được trả đúng hạn.

Còn nhớ, ngay từ khi chương trình trong giai đoạn khởi động, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo về hiệu quả của nó do chưa đủ năng lực quản lý điều hành chương trình có vốn lớn, liên quan đến nhiều địa phương bộ, ngành và khả năng sử dụng tàu đánh cá công suất lớn của ngư dân rất có hạn.

Thiếu hiệu quả chủ yếu do lỗi chủ quan ảnh 1

Nhiều con tàu được đầu tư nhưng đạt hiệu quả thấp.

Thực tế, qua kiểm tra đầu tư 991 con tàu xa bờ tại 26 tỉnh, thành phố (chiếm 71% tổng số tàu được đầu tư) đã phát hiện số tiền sai phạm lên tới 110 tỷ đồng, chiếm 12% tổng giá trị được kiểm tra. Rõ nhất là hàng loạt HTX được thành lập trong chốc lát chỉ để được “vào” chương trình mà thiếu hẳn năng lực về tài chính đối ứng và kinh nghiệm đánh bắt. Thậm chí, có nhiều hộ ngư dân được lựa chọn thực hiện dự án đi đánh bắt cá... chưa từng ra biển hoặc sức khỏe yếu!

Trong khi đó, phần lớn ở các tỉnh, thành đều thẩm định, phê duyệt dự án một cách rất vô lối: các dự án đều được sao chép như photocopy, chỉ khác nhau về địa danh và tên chủ dự án, không đúng với các chỉ tiêu về vốn tự có, hiệu quả dự án, kinh nghiệm và thực tế của từng địa phương.

Đáng ngạc nhiên là tất cả đều vượt qua khâu thẩm định và được phê duyệt. Thậm chí, cán bộ dự án còn tiếp tay, khai khống để cho các hộ, HTX được vay vốn. Dự án đóng tàu cá xa bờ ở huyện Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, dù chủ dự án chỉ báo cáo sản lượng là 450 tấn/năm cho một đôi tàu nhưng cán bộ thẩm định lại đưa sản lượng lên 1.100 tấn/năm.

Không chỉ bắt tay với cơ quan quản lý, chủ tàu, cơ sở đóng tàu, người bán ngư cụ, trang thiết bị trên tàu cá còn thỏa thuận thay đổi kích thước tàu, rút bớt chiều dài hay chiều cao của mạn tàu, lập hóa đơn mua ngư cụ khống để tham ô tiền nhà nước. Qua kiểm tra, dạng sai phạm này đã làm thiệt hại 18 tỷ đồng, chiếm 16% tổng số tiền sai phạm được phát hiện. Chẳng hạn ở Thanh Hóa, chủ dự án đã rút được gần 7 tỷ đồng trong tổng số khoảng 46 tỷ đồng mà Cục Đầu tư tỉnh này rót cho 4 cơ sở đóng tàu.

Tuy nhiên, số tiền thất thoát sẽ giảm thiểu, sẽ không lỗ trước khi thực hiện dự án nếu như các tổ chức tín dụng đánh giá, kiểm tra một cách nghiêm túc trước và trong quá trình cho vay vốn. Đáng tiếc là theo kết luận, các đơn vị cho vay đã không kiểm tra, kiểm soát chặt trong toàn bộ quá trình cho vay, giải ngân, thanh toán... Nhiều nơi cho vay vượt dự toán, thanh toán mà không cần đủ hồ sơ, chứng từ. Số tiền sai phạm trong khâu này cũng đã lên tới 30 tỷ đồng. Ví như Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Sóc Trăng cho các chủ dự án rút tiền mặt chi trả, giải ngân ứng trước vốn vượt 25% tổng mức đầu tư của dự án.

  • Trách nhiệm chính thuộc về Bộ Thủy sản

Chính vì thực trạng trên nên theo Thanh tra Chính phủ, phần lớn các dự án đánh bắt hải sản xa bờ đã được đầu tư đạt hiệu quả kinh tế thấp. Chỉ 390 tàu hoạt động có hiệu quả, còn 520 tàu không hiệu quả và có 250 tàu nằm bờ, còn lại là đã bị mất, chìm, đắm. Vì vậy, trong số dư nợ còn lại là 1.204 tỷ đồng có tới 474 tỷ nợ quá hạn và 375 tỷ đồng “lãi treo”, quá hạn mà chưa trả.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm đối với các tồn tại, khuyết điểm nói trên thuộc về Ban chỉ đạo dự án trung ương (từ năm 1997 - 2000). Bộ Thủy sản là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo nhà nước nhưng thực hiện chưa đầy đủ nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Công tác thanh, kiểm tra trong quá trình triển khai dự án chưa được bộ quan tâm đúng mức. UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn nhưng cũng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Nhiều địa phương chỉ quan tâm đến phân bổ vốn đầu tư, lựa chọn dự án mà buông lỏng quá trình đầu tư, thực hiện… Tổng cục Đầu tư và phát triển, nay là Quỹ hỗ trợ phát triển cũng có những sai phạm, thiếu sót tương tự. Đồng thời, trách nhiệm cũng thuộc về chủ đầu tư các dự án do không thực hiện nghiêm quy định…

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các nhân, tập thể Ban chỉ đạo Trung ương (1997-2000), Bộ Thủy sản, các bộ, ngành là thành viên ban chỉ đạo, UBND các tỉnh, Tổng cục Đầu tư và phát triển… Trước đó, một số địa phương đã kỷ luật một số cán bộ liên quan như cách chức giám đốc Xí nghiệp Khai thác thủy sản Bình Thuận; kỷ luật Giám đốc Sở Thủy sản Hà Tĩnh cùng hai cán bộ của sở; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ sai phạm ở Quảng Nam...  

KIẾN QUỐC

Tin cùng chuyên mục