Tại 14 bệnh viện ở tỉnh Đắk Lắk, hiện các bác sĩ, cán bộ, công nhân viên vẫn chưa nhận được lương tháng 11-2015. Tuy thiếu lương, nhưng các bệnh viện vẫn hoạt động bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Người lao động “hơi buồn’’
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, hiện có 14 bệnh viện trong tỉnh nợ lương người lao động với tổng số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Trong đó, có những bệnh viện còn nợ lương người lao động với số tiền lớn như: Bệnh viện thị xã Buôn Hồ (nợ khoảng 3,2 tỷ đồng), Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột (3,1 tỷ), Bệnh viện Mắt Đắk Lắk (1,3 tỷ đồng), Bệnh viện huyện Krông Pắk (1,6 tỷ đồng), Bệnh viện huyện Ea Kar (1,4 tỷ đồng), Bệnh viện huyện Ea H’leo (1,3 tỷ đồng)... Dù bị thiếu lương có ‘’hơi buồn’’, nhưng các bác sĩ và nhân viên các bệnh viện nói trên vẫn hoạt động bình thường
Theo ghi nhận của PV vào chiều 8-12, tất cả những bệnh viện thiếu lương người lao động nói trên vẫn tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh cho người dân. Tại các khoa của Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, các bác sĩ, y tá vẫn nhiệt tình thăm khám cho bệnh nhân. Điều dưỡng Lê Thị Mỹ Phượng (Khoa nhi) chia sẻ: ‘’Ngay khi lương tháng 11 bị thiếu, bệnh viện đã thông báo cho những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi được ứng tiền lương để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Tuy hơi buồn một tí nhưng không ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn. Dù lương chưa kịp cấp phát đủ, chúng tôi vẫn phải chăm sóc bệnh nhân như bình thường”. Cũng theo chị Phượng, nếu lương cấp không kịp thời thì gia đình chị sẽ phải đi vay mượn tiền để đóng học phí cho con.
Không đến nỗi khó khăn khi thiếu lương, nhưng bác sĩ Thái Thị Hiền, Khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, cũng thấy hơi buồn khi chưa nhận được lương tháng 11. ‘’Bình thường, khoảng ngày 10 hàng tháng là chúng tôi nhận được lương của tháng đó. Dù bị chậm lương có buồn tí xíu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến công việc chuyên môn của chúng tôi. So với các điều dưỡng, cuộc sống của các bác sĩ đỡ vất vả hơn nên chúng tôi đã nhường cho họ tạm ứng lương trước để chi tiêu cho gia đình’’, bác sĩ Hiền chia sẻ. Theo bác sĩ Y Lâm Niê, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, từ tháng 11 đến nay bệnh viện đã cho những cán bộ, công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn tạm ứng tiền lương khoảng 500 triệu đồng. ‘’Một tháng, bệnh viện phải trả lương cho 238 cán bộ, công nhân viên với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Do chưa nhận được tiền ngân sách trả lương cho tháng 11 và 12, bệnh viện đã ứng 500 triệu đồng từ số tiền thu viện phí và thu nhập nội bộ của cơ quan để cho các cán bộ, công nhân viên còn khó khăn được tạm ứng lương. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Sở Y tế và Sở Tài chính của tỉnh có biện pháp khắc phục việc chậm lương cho người lao động của bệnh viện’’, bác sĩ Y Lâm cho hay.
Mặc dù bị nợ lương, Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột vẫn hoạt động bình thường
Tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, mọi hoạt động khám chữa bệnh cho người dân vào chiều 8-12 vẫn diễn ra bình thường. Cũng như các bệnh viện bị thiếu lương, các bác sĩ, cán bộ, công nhân viên nơi đây cũng chưa nhận được lương từ tháng 11. Bác sĩ Y Nhân Mlô, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, cho hay: “Ngay từ đầu năm, bệnh viện đã biết sẽ bị thiếu lương người lao động vào dịp cuối năm nay. Vào tháng 10 vừa qua, bệnh viện đã thông báo tình hình đó cho các cán bộ, công nhân viên chuẩn bị tinh thần và có biện pháp tự khắc phục việc bị chậm lương. Vì thế, khi xảy ra việc này thì tinh thần của cán bộ, công nhân viên không bị ảnh hưởng nhiều và họ vẫn nhiệt tình thực hiện công tác khám chữa bệnh cho người dân”. Trong những ngày qua, mọi hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tại những bệnh viện bị nợ lương người lao động khác ở Đắk Lắk vẫn diễn ra bình thường.
Thu không đủ chỉ tiêu
Báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk cho biết: Năm 2015, UBND tỉnh giao cho 14 bệnh viện nói trên phải thu là gần 311,6 tỷ đồng, trong đó 35% dành cho quỹ cải cách tiền lương khoảng 35 tỷ đồng. Nhưng ước tính đến hết tháng 12-2015, 14 bệnh viện chỉ thu gần 282 tỷ đồng. Như vậy, quỹ chi tiền lương chỉ còn gần 20 tỷ đồng và sẽ thiếu hơn 15 tỷ đồng tiền lương so với dự toán. Trong đó, các bệnh viện có nguồn thu dự kiến năm 2015 sẽ thấp hơn chỉ tiêu được giao như: Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột, Bệnh viện thị xã Buôn Hồ, Bệnh viện huyện Krông Pắk, Bệnh viện huyện Ea Kar, Bệnh viện Ea H’leo... Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Bệnh viện được giao thu khoảng 61 tỷ đồng, nhưng ước tính năm nay chỉ thu được khoảng 54,6 tỷ đồng. Nguyên nhân bệnh viện hụt nguồn thu là do chưa tăng các khoản viện phí theo quy định và đây chỉ là nguyên nhân khách quan mà thôi”.
Được biết, chiều ngày 8-12, Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cũng đã có buổi họp bàn để khắc phục việc chậm lương của các bác sĩ, cán bộ, công nhân viên của 14 bệnh viện nói trên. ‘’Việc thiếu nguồn thu tại các bệnh viện do nhiều nguyên nhân khách quan, vì thế chúng tôi đã đề nghị Sở Tài chính bổ sung kinh phí để kịp thời trả lương cho người lao động tại các bệnh viện. Sau cuộc họp này, Sở Tài chính sẽ kiến nghị UBND tỉnh cấp bù kinh phí cho các bệnh viện còn nợ lương người lao động’’, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho hay.
CÔNG HOAN