
Quê An Giang, yêu thơ thuở còn đi học và sáng tác khá sớm, đến nay anh đã xuất bản hàng chục tác phẩm, gồm thơ, trường ca, truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó có những tác phẩm rất được bạn đọc vùng châu thổ yêu mến như: Ngan ngát mùa xưa, Chim xa cành, Nửa tuần trăng mật, Giữa hai mùa hẹn ước, Hình sương bóng khói, Con chim tắm cát, Người xa người… Đáng kể là thơ anh được phổ biến khá rộng, nhiều bạn yêu thơ trong cả nước đều biết và cảm nhận ở đó vẻ lãng mạn mộc mạc, đằm thắm, nhân hậu của một tâm hồn thơ miền sông nước, nhẹ nhàng như giai điệu Đêm nghe tiếng đàn bầu, một bài thơ của anh được nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh phổ nhạc. Anh hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang.

Các nhà văn TPHCM và nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (áo trắng, ngồi giữa).
- PV: Đồng bằng trù phú, con người ít lo toan, trăn trở với cuộc sống nên không nhiều người nghĩ đến chuyện làm bạn với thi phú. Riêng anh không chỉ yêu mà còn làm thơ khá hay. Duyên nợ này bắt đầu từ đâu?
- Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng lúa bạt ngàn, sông rạch dọc ngang nhiều tôm cá, nên cuộc sống con người ít phải lo toan, vất vả hơn một số nơi khác.
Từ xưa, người đồng bằng đã có thú vui với đờn ca tài tử bên những tiệc rượu dân dã đầm ấm vào những lúc nông nhàn. Nhưng người đồng bằng cũng rất thích nghe đọc thơ Lục Vân Tiên, Nàng Út, Thạch Sanh Lý Thông… Thích hò đối đáp khi chèo xuồng trên sông, tát nước bên đồng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở đồng bằng nên ít nhiều ảnh hưởng nhịp sống ấy và yêu thơ có lẽ từ thuở nghe lời ru của mẹ bên cánh võng giữa quê làng. Nhớ lại ngày xưa, khi còn học tiểu học, tôi có thói quen cắt giữ những bài thơ in trên báo mà mình thích. Đến khi lên trung học, tôi mạo muội cùng bạn bè làm thơ gởi đăng báo. Khi biết yêu, thơ trở thành tiếng nói của trái tim mình, chừng như từ đó, tôi và thơ là người bạn đồng hành chung thủy…
- An Giang là vùng đất sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng. Là chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cảm nhận của anh về lớp kế thừa?
- Có người nói An Giang là đất “Địa linh nhân kiệt”, chẳng những sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ mà còn có những danh tướng, những nhà sư nổi tiếng trong vùng. Những con người, sự kiện ấy cùng với thổ nhưỡng đặc thù, đồng bằng mênh mông, sông ngòi chằng chịt, lại có núi, có rừng đã hun đúc tâm hồn con người An Giang đậm chất nghệ sĩ, làm phong phú thêm vốn sống của người sáng tác.
Trong thập niên 1970-1980 có một lớp văn nghệ sĩ An Giang đã khẳng định được mình qua những tác phẩm được cả nước biết đến. Hiện nay, lớp trẻ kế thừa cũng đang phát triển khá tốt trong điều kiện thuận lợi từ sự chăm sóc của Hội VHNT qua các hình thức: bồi dưỡng, đầu tư, xuất bản, giới thiệu tác phẩm đến công chúng. An Giang hiện nay là một trong những tỉnh có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đông nhất đồng bằng sông Cửu Long.
- Đọc thơ anh luôn thấy một tình yêu mãnh liệt với quê mình, khiến nhiều người cũng yêu lây cái vẻ chừng như rất riêng của An Giang, nên muốn nghe từ anh những điều chia sẻ…
- Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Cửu Long thơ mộng, dưới chân rặng Thất Sơn hùng vĩ, nơi nửa năm đồng khô, nửa năm chìm trong nước nổi. Tôi cũng có người yêu ở đây, nên vùng đất này gắn chặt với tâm hồn tôi như máu thịt. An Giang có những nét đặc trưng dễ quyến rũ du khách như: Nền văn hóa khá phong phú của 4 dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer… Có những căn cứ kháng chiến nổi tiếng nay trở thành điểm du lịch: đồi Tức Dụp (núi Cô Tô), Ô Tà Sóc, hang Ma Thiên Lãnh (núi Dài).
Các di tích, thắng cảnh như: Đền thờ Bác Tôn ở Mỹ Hòa Hưng (cù lao Ông Hổ), văn hóa Óc Eo ở Thoại Sơn, nhà mồ Ba Chúc. Ngọn núi Sam với cụm di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia: chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang… hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái…Và không thể không giới thiệu một nét độc đáo của An Giang là những làng bè nổi nuôi cá basa mang lại nguồn thu lớn qua xuất khẩu.
- An Giang có quá nhiều những món đặc sản dân dã miệt vườn, bạn thơ đến anh sẽ mời thưởng thức món gì?
- Tôi cũng thấy vậy và xin giới thiệu vài món để các bạn nếu có dịp đến An Giang nhớ thưởng thức, đó là: cà ri dê, tung lò mò (lạp xưởng bò) của người Chăm rất đặc biệt, bò xào lá dang, canh chua cá basa và nhất là các loại mắm ở Châu Đốc… Với bạn thơ chắc chắn tôi sẽ mời nhâm nhi món gỏi lá sầu đâu trộn khô cá sặt bổi đặc thù, bún nước lèo Châu Đốc. Gặp mùa nước nổi thì cá linh kho lạt hoặc kho mắm ăn với bông súng đồng, bông điên điển xào tép, đúc bánh xèo…
- Suy nghĩ của anh về thơ trong cuộc sống hiện nay?
- Hiện nay người làm thơ nhiều và thơ được xuất bản cũng nhiều. Tôi cho đó là điều đáng mừng vì thơ vẫn sống một cách khá phong phú. Thơ muôn đời vẫn là sự rung cảm giữa người sáng tác và người đọc, nó góp thêm niềm vui và vẻ đẹp cho cuộc sống…
HUY MIÊN