Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt các lệnh trừng phạt

Sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ là quốc gia tiếp theo cảnh báo sẽ có lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu quốc gia này can thiệp sâu vào chiến dịch quân sự gây nhiều tranh cãi tại Bắc Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Bắc Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Bắc Syria

Thổ Nhĩ Kỳ cứng rắn

Một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hạ viện thông báo sẽ trình một dự luật nhằm áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi các thượng nghị sĩ lưỡng đảng cũng có ý định tương tự nhằm bày tỏ phản ứng mạnh mẽ đối với hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, Mỹ có 3 lựa chọn: gửi quân đến và giành chiến thắng quân sự; đánh vào kinh tế và trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hoặc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Tổng thống Donald Trump cũng giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao Mỹ dàn xếp một lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd ở Syria. Hiện Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đang xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giải pháp ngoại giao. Bất chấp cảnh báo của Mỹ, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến dịch quân sự của Ankara tại vùng Đông Bắc Syria nhằm vào lực lượng người Kurd mà Washington hậu thuẫn.

Về phía EU, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin cho biết, EU vẫn cân nhắc khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do cuộc tấn công của Ankara chống lại lực lượng người Kurd ở Syria. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nước châu Âu đã không thuyết phục được HĐBA LHQ lên án vụ tấn công này. Bà Amelie de Montchalin cho biết thêm, những phản ứng đáp trả tiềm tàng đối với hành động xâm phạm của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Đông Bắc Syria sẽ được thảo luận trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu diễn ra vào tuần tới.

Trước đó, HĐBA LHQ đã họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Syria. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không thể đưa ra tuyên bố chung nào do Mỹ và Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tuyên bố của 5 thành viên EU gồm Pháp, Đức, Bỉ, Anh và Phần Lan kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự tại Syria. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết, Moscow sẽ chỉ ủng hộ các kiến nghị của HĐBA LHQ nếu chúng giải quyết các vấn đề bao quát hơn, chẳng hạn như sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Syria.

Nguy cơ trỗi dậy của IS

Trong hơn 5 năm qua, các lực lượng người Kurd tại Syria, được Mỹ hậu thuẫn, đã đi đầu trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Hiện lực lượng này vẫn đang giam giữ hàng ngàn tay súng IS. Chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Bắc Syria khiến các bên lo ngại về nguy cơ trỗi dậy của IS tại khu vực này. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria có thể phá hoại những tiến bộ to lớn đạt được trong cuộc chiến chống IS.

Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria đến ngày 11-10,  đã có 29 tay súng và 10 dân thường thiệt mạng. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 tay súng người Kurd đã bị thiệt mạng. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người ở Syria đã phải đi sơ tán. Nhiều cơ quan của LHQ đang tìm cách tiếp cận hỗ trợ nhân đạo cho hàng chục ngàn người chạy trốn xung đột ở Đông Bắc Syria. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã cảnh báo dân thường tại khu vực này đang chịu nhiều nguy hiểm, trong khi tình hình ngày càng xấu vì thời tiết lạnh giá sắp tác động tới toàn khu vực.

Tin cùng chuyên mục