Cụ thể, đánh giá về đề thi môn Hóa, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết có 5/40 câu hỏi liên quan kiến thức lớp 10 và 11, nội dung khá nhẹ nhàng, có sự giao thoa kiến thức giữa các lớp 10, 11 và 12. Các câu hỏi kiến thức lớp 12 với độ khó vừa phải, không mang tính đánh đố.
Với đề thi này, học sinh học lực trung bình, khá nếu học hành nghiêm túc vẫn có thể đạt điểm 8. Đề chỉ thật sự phân hóa rõ ràng ở 2 mức điểm 9 và 10, đáp ứng được yêu cầu làm cơ sở cho các trường xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tương tự, đối với môn Ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết đề tham khảo tập trung toàn bộ kiến thức lớp 12, vấn đề đặt ra ở phần “đọc - hiểu” rất vừa sức, phù hợp năng lực hiểu biết, phân tích của học sinh lớp 12.
Ở môn Lịch sử, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng đề thi bám sát chương trình lớp 12, chỉ có 3 câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 và không có câu hỏi kiến thức lớp 10. Trong đó, 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chỉ có 20% câu hỏi ở mức vận dụng nhưng độ khó không cao.
Đối với môn Địa lý, cô Lương Quỳnh Hoa, Tổ trưởng Tổ Địa lý Trường THPT Trưng Vương, chú ý các thí sinh ngoài việc ôn tập kiến thức, khái niệm trong sách giáo khoa, cần nắm bắt thêm tình hình thực tế xã hội bên ngoài để làm tốt các câu vận dụng.
Đồng tình với cách ra đề này, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết đề ra trong phạm vi kiến thức giao thoa giữa 3 khối lớp 10, 11 và 12 là phù hợp, vì nếu ra đề theo hướng kiểm tra kiến thức riêng lẻ từng năm sẽ khiến học sinh không có đủ thời gian ôn tập.
“Đề dễ hơn năm ngoái đồng nghĩa phổ điểm thi sẽ cao, điểm chuẩn vào các trường đại học, cao đẳng cũng tăng theo nên thí sinh không được lơ là nếu muốn có chỗ học tốt tại các trường đại học, cao đẳng”, thầy Thịnh cảnh báo.