Kết quả của cuộc họp khủng hoảng di cư tại Brussels, Bỉ là kế hoạch hành động đi kèm với gói viện trợ trị giá 3 tỷ EUR (tương đương 3,2 tỷ USD) trong 2 năm Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nâng cao mức sống của 2,2 triệu người di cư Syria hiện đang cư ngụ tại quốc gia này.
Ngoài ra, EU mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ giữ cam kết tiếp nhận trở lại những người di cư đã đến Hy Lạp nhưng không đủ điều kiện tị nạn chính trị. Số tiền 3 tỷ EUR sẽ không cung cấp trực tiếp cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mà cho các tổ chức hoạt động vì người tị nạn trên quốc gia này, được giải ngân theo từng giai đoạn, căn cứ vào thiện chí của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Một thiết bị theo dõi điện tử sẽ được lắp đặt nhằm kiểm tra xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các cam kết không.
EU cũng đã cam kết miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Schengen đến tháng 10-2016 và tái khởi động các đàm phán về quá trình trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắt chặt an ninh biên giới, giữ lại những người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn và trấn áp nạn buôn người. Đây là một thỏa thuận có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh nước này rơi vào căng thẳng với Nga sau vụ bắn rơi máy bay Su-24. Thỏa thuận này giúp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh quá trình tiến lại gần châu Âu, đặc biệt là nỗ lực gia nhập EU, khi mà các biện pháp trừng phạt của Nga vừa tuyên bố sẽ gây ra những tổn thất khổng lồ với nước này.
Trước khi cuộc họp diễn ra đã có những dự đoán về kết quả không mấy lạc quan vì cả hai bên đã xảy ra những bất đồng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là muốn có thêm nhiều tiền hỗ trợ hơn trong khi Đức - quốc gia có tiếng nói chủ chốt trong EU không mấy ủng hộ kế hoạch tiến gần đến châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ do quan ngại về những chính sách được cho là chuyên trị của Tổng thống Erdogan. Giới phân tích cho rằng, kết quả trên có được sau khi cuộc khủng bố ở Paris, Pháp vừa qua đang khiến cả châu Âu bất an vì dòng người di cư. Theo Tổ chức di cư quốc tế, gần 1 triệu người di cư đã đặt chân vào EU trong năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ chính đối với những người di cư muốn tiến vào EU, với mục tiêu cuối cùng là tới các quốc gia như Đức và Thụy Điển. Đây là đất nước nằm ở ngã ba của hai châu lục Âu - Á, là điểm nối giữa châu Âu với vùng đất Trung Đông. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 700.000 người di cư đã tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì lý do đó, Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là cái van điều tiết lượng người di cư đổ về châu Âu.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bỏ lỏng kiểm soát thì hàng triệu người di cư Syria, Iraq và nhiều quốc gia châu Phi khác sẽ tràn vào biên giới của EU và khi đó tình hình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát tốt dòng người di cư là vấn đề mang tính sống còn đối với EU. Muốn chặn dòng người di cư đổ về châu Âu thì phải chặn ngay từ nơi trung chuyển, tức là phải có biện pháp kiểm soát ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận mới này cho thấy, việc EU chấp nhận xem xét đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách thành viên chỉ nhằm đảm bảo lợi ích chung của khu vực dù vẫn còn không ít nghi ngại.
THANH HẰNG