Ngành công nghiệp sản xuất game – cơ hội mới và bài học cũ
Khi cả ngành sản xuất game online Việt gần như đã “chịu chết” ở game game PC, thì game mobile bất ngờ là cơ hội không thể tốt hơn cho các nhà làm game nói riêng, và ngành công nghiệp (chưa bao giờ đúng nghĩa là ngành công nghiệp) game ở Việt Nam.
Hàng loạt nhà phát hành game lớn như VNG, VTC, Soha Game… nhập cuộc và tham gia sản xuất. Các studio game nhỏ cũng ồ ạt ra đời trên khắp cả nước. Sự phát triển mau lẹ của thể loại này được kỳ vọng tạo nên diện mạo mới cho ngành công nghiệp game Việt Nam.
Game mobile còn tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam.
Khởi sắc
Chắc chắn, khi nhắc đến sự thành công của game mobile, tất yếu phải nhắc đến Flappy Birds của lập trình viên trẻ Nguyễn Hà Đông. Giá trị của game này mang lại không chỉ doanh thu khủng, mà chính là hiệu ứng mà nó mang lại. Sau Flappy Birds, game mobile tạo nên sức hút khiến cả doanh nghiệp lẫn người làm game không chuyên Việt Nam lao vào, muốn khẳng định được tên tuổi.
Câu chuyện thành công đó không chỉ là điểm sáng duy nhất của những người làm game Việt. Gần đây, đi đâu, đọc ở đâu cũng thấy các bạn trẻ chia sẻ nhau tựa game Bắt chữ. Bắt chữ được phát triển dựa trên ý tưởng của chương trình nổi tiếng “Đuổi hình bắt chữ”. Người chơi sẽ quan sát và đoán xem từ gì ẩn sau những hình ảnh vui nhộn và thú vị. Để vượt qua các câu hỏi, người chơi cần có vốn từ phong phú cả về tiếng Việt và Hán Việt. Do vậy, không ít người phải chia sẻ hình ảnh lên Facebook để nhờ bạn bè tìm đáp án giúp. Cũng vì thế mà trò chơi lại càng được lan truyền và được nhiều người yêu thích. Đến nay, trò chơi đã có trên 3 triệu lượt download trên Android và iOS. Số lượt tải có những ngày cao nhất khoảng 150.000 cho cả 2 nền tảng. Đây là con số ấn tượng bởi ứng dụng có giao diện tiếng Việt và chỉ dành cho những người biết tiếng Việt.
Ngoài ra, có thể điểm qua hàng loạt tựa game mobile khác nổi bật như Nova Squad, Nova Defence của Emobile và mới nhất là gMO thẻ tướng Đại Minh Chủ do Soha Game phát hành. VNG thành công với Khu vườn trên mây mobile, Famery, Thời loạn… Theo đại diện VTC Intecom, sau câu chuyện của Nguyễn Hà Đông và Flappy Birds, giới làm game mobile tại Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh, hồ hởi lao vào sáng tạo ra nhiều game mới. Rất nhiều người đang làm game trên PC chuyển sang làm game mobile hoặc tham gia vào thị trường này. Năm 2014 và sắp tới, xu hướng người chơi game chuyển dịch từ máy tính sang mobile sẽ ngày càng mạnh mẽ nhờ ưu thế tiện lợi và giải trí nhanh. Điều này sẽ tạo ra cho ngành game mobile một nguồn khách hàng mới đầy tiềm năng.
Cơ hội và thách thức
Có nhiều ý kiến phân tích từ những chuyên gia kinh tế học về sự phát triển và định hình thị trường, đặc biệt là thị trường game mobile tại Việt Nam. Đánh giá chung, cái chết của trào lưu game PC thuần Việt trước đây mang nhiều yếu tố kinh nghiệm. So với các cường quốc về game như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… Việt Nam không thể so bì cả về kỹ thuật lẫn nguồn vốn đầu tư. Thế nên, chỉ vừa ra thị trường thời gian ngắn, game PC thuần Việt đã bị “bóp chết”. Trong khi đó, game mobile ngoài việc có thể sản xuất ở các công ty lớn còn có thể sản xuất ở các studio game nhỏ có quy mô đầu tư bé. Đặc biệt, đây là loại game mới, và các công nghệ làm game trên thế giới hiện nay đều đã được chia sẻ rộng rãi với nhau, vì vậy, những người làm game Việt cách thế giới không quá xa.
Ông Hoàng Nhật Minh, VTC Intecom, dẫn chứng cơ hội đó bằng những con số cụ thể. Theo ông Minh, năm 2014, doanh thu của thị trường game Việt Nam ước đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, bằng với năm 2013, trong đó game mobile chiếm khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh nhà phát hành game lớn, là sự ra đời ồ ạt của các studio game nhỏ như: Colobox, Pine, Canvas Games Studio, Banana Studio..., có những studio game chỉ làm outsoursing (thuê ngoài) cho nhà sản xuất ngoại nhưng một số lại kiêm luôn vai trò sản xuất. Sự tham gia mạnh mẽ từ nhiều đối tượng trong xã hội sẽ hình thành nên những cơ sở đầu tiên cho một ngành công nghiệp game mobile Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tạ Nam Anh, Giám đốc phát hành game Mobie của VNG, không quên cảnh báo rằng, cơ hội lớn, thách thức cũng sẽ nhiều. Dù chi phí phát triển 1 game mobile không nhiều như PC game nhưng quan trọng là nhà sản xuất có đủ lực để duy trì được sản phẩm đó lâu dài và có nhiều người chơi hay không. Bởi thực tế chứng minh, khoảng 90% sản phẩm trò chơi trực tuyến không thành công ngay từ khâu sản xuất, 9% không thành công khi bước vào thị trường và chỉ còn 1% những trò chơi trực tuyến hay nhất (hoặc may mắn nhất) có thể sống sót và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Cho nên, mặc dù đại diện các doanh nghiệp làm game thừa nhận, tiềm lực làm game mobile tại Việt Nam rất lớn, nhưng họ cũng khẳng định rằng, chính sách tốt sẽ là “liều thuốc” rất quan trọng để kích thích game mobile Việt tăng trưởng, lớn mạnh. Đặc biệt, để vươn ra thế giới, các doanh nghiệp game trong nước rất cần môi trường nội địa phát triển, để làm “vườn ươm”…
| |
Nguyễn Tường
>> Ngành công nghiệp sản xuất game - cơ hội mới và bài học cũ: “Cái chết” ở PC