Thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lai Châu

Sáng ngày 31-10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị thẩm định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2021.

Báo cáo tóm tắt đề án, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (7 huyện và 1 thành phố); số lượng ĐVHC cấp huyện có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 1 đơn vị (thành phố Lai Châu).

Thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lai Châu ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu

Số lượng ĐVHC cấp xã là 108 đơn vị (96 xã, 7 thị trấn, 5 phường); số lượng ĐVHC cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 3 đơn vị, gồm 2 xã và 1 phường (xã Ma Li Chải huyện Phong Thổ; xã Sùng Phài huyện Tam Đường; phường Quyết Thắng thành phố Lai Châu).

Tỉnh Lai Châu xây dựng Đề án sắp xếp 2 ĐVHC cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là 2 đơn vị, gồm xã Sùng Phài và xã Ma Li Chải.

Theo đó, sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) với xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) để thành lập xã mới là xã Sùng Phài; sáp nhập xã Ma Li Chải với xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) để thành lập xã mới là xã Sì Lở Lầu.

Tỉnh Lai Châu cũng đề xuất chưa tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định là thành phố Lai Châu và phường Quyết Thắng (thuộc TP Lai Châu). Như vậy, sau khi sắp xếp, tỉnh Lai Châu sẽ giảm 2 ĐVHC cấp xã.

Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh sẽ hợp nhất tổ chức Đảng, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của các ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp theo quy định của luật, điều lệ và các quy định của pháp luật.

Trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đề án, các địa phương thuộc diện sắp xếp tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.

Đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác, chờ hưu… theo quy định hiện hành. Trong đó, sau khi sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) và xã Nậm Loỏng (TP Lai Châu), số cán bộ, công chức dôi dư là 20 người (9 cán bộ và 11 công chức); tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 39 người cũng được tỉnh Lai Châu bố trí, sắp xếp đảm bảo theo quy định. Sau khi sáp nhập xã Ma Li Chải và Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ), số cán bộ, công chức dôi dư là 14 người (4 cán bộ và 10 công chức); tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 41 người cũng được bố trí, sắp xếp đảm bảo theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị UBND tỉnh Lai Châu xây dựng lộ trình cụ thể và giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn dôi dư, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu kiện. Tỉnh Lai Châu cũng cần xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý và sử dụng tài sản công đối với các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tránh lãng phí. Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án của tỉnh Lai Châu.

Tin cùng chuyên mục