Với gặt hái từ những bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới, tình hình chính trị ổn định, cùng bao nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt ra thế giới khiến Việt Nam đang có sức cuốn hút các du khách cũng như các nhà đầu tư quốc tế. Để Việt Nam ngày càng đáng yêu trong con mắt bè bạn, bên cạnh những thế mạnh đã được phát huy, hiện vẫn còn nhiều điều ngổn ngang khiến chúng ta day dứt.
Xin chưa bàn đến chuyện to tát, những nhiêu khê, nhũng nhiễu của bộ máy hành chính; nạn kẹt xe, rác rến, ô nhiễm môi trường… mà lâu nay cư dân thành phố vẫn gánh chịu, chỉ xin đề cập đến đôi điều nhỏ nhặt.
1. Bị đeo bám, quấy rầy, đó là lời phàn nàn của không ít du khách bị làm phiền bởi những “đội quân” trên đường phố. Khi là cô bé bán bông, chewing gum, trong trang phục học trò, lúc là người thiếu phụ xanh xao ẵm theo đứa trẻ oặt ẹo, khi là cặp vợ chồng tàn tật với cây guitar và xấp vé số… Lòng cảm thông, nhân từ bị lạm dụng để đổi thành những đồng bạc lẻ, bức tranh xã hội như bị lấm lem.
2. Đất nước Việt tươi đẹp, thanh bình, nhưng vẫn còn những cảnh tượng làm người ta thấy bất an và đau lòng. Ngay ở những con phố rất đẹp, tâm điểm của du lịch như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, không ít lần chứng kiến kẻ bất lương giả danh người bán đồ lưu niệm năn nỉ mời chào, thình lình giật túi, tư trang của du khách rồi vọt lẹ, khiến người khách bị một phen thảng thốt, giận dữ mà chẳng thể cầu cứu ai. Lại có lần gặp mấy cô gái Nhật, Hàn xinh đẹp, duyên dáng xúng xính với áo dài Việt đang tản bộ trên hè phố bỗng nháo nhác, thất thần vì bị giật bóp. Thương các cô và tội nghiệp quá cho nón lá, áo dài và cả những món lưu niệm mang hồn Việt.
3. Hễ cứ thấy khách nước ngoài, hoặc có khi cả người Việt “ở bển về” thì từ làm nail, lon nước giải khát cho tới món hàng thủ công mỹ nghệ thường bị tính giá “trên trời”, hàng hóa một sao, giá cả bốn, năm sao là chuyện không hiếm.
Thực ra khi du lịch, nhất là du lịch “ba lô”, tận hưởng thú vui dân dã với giá phải chăng cũng là một cách thưởng thức. Nếu cứ mang tâm lý tiền bạc du khách quá rủng rỉnh, tội gì không “chặt đẹp” thì chỉ là cách làm của người “ăn xổi”. Số tiền chẳng là bao so với thu nhập của khách nhưng nếu cứ bị đối xử thiếu công bằng như thế, thì dù có mời chào mấy, họ cũng sẽ “một đi không trở lại”.
4. Bên cạnh du lịch biển hay cao nguyên, vùng sông nước miền Tây Nam bộ với nét độc đáo, kênh rạch chằng chịt, chợ nổi trên sông, vườn trái, làng nghề, đờn ca tài tử... được khách quốc tế rất ưa chuộng. Ngoài một số công ty du lịch uy tín, phục vụ chuyên nghiệp, còn có rất nhiều tour lẻ với cách tổ chức nghiệp dư, chất lượng dịch vụ thấp.
Có lần du lịch sinh thái cùng đoàn khách đủ quốc tịch… vậy mà phải chứng kiến cảnh tài xế thì cằn nhằn, thô lỗ, hướng dẫn viên du lịch thì suốt chuyến đi “quên” giới thiệu nét văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của nơi chốn đi qua. Quảng cáo ngất trời, chất lượng èo uột - Thực tế khác quá xa lời chào hàng thì tâm trạng thất vọng là điều khó tránh khỏi.
5. Điều oái oăm là khi du lịch xứ mình lại khiến người ta liên tưởng đến xứ người. Tất nhiên những khác biệt về lịch sử, kinh tế - xã hội thì miễn bàn, nhưng về con người và phong cách phục vụ là điều đáng lưu tâm. Nhớ về chuyến du ngoạn từ Sidney khám phá Blue mountain. Người tài xế kiêm hướng dẫn viên, suốt hành trình xe vun vút trên đường núi quanh co, với chiếc micro không dây, vừa lái xe vừa giới thiệu lưu loát về văn hóa lịch sử con người từng vùng đất đi qua. Xuống xe, anh lại trong vai “cô bảo mẫu” tận tình với khách.
Lần khác ở Malaysia, ngày về cả đoàn cứ nấn ná, chẳng muốn rời xa bởi chàng hướng dẫn du lịch người bản xứ thân thiện, hài hước, rất am hiểu về Việt Nam và còn biết hát tặng một số ca khúc Việt đang rất thịnh. Phong cách phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, đáng tin cậy cùng sự cởi mở, chan hòa là những dấu ấn đẹp, khó phai mờ. Phải chăng những thiện cảm, mến yêu về một xứ sở, điều mà chúng ta đang nhọc công xây dựng để quảng bá hình ảnh Việt Nam - công việc bao hàm ý nghĩa lớn lao ấy, nhưng nhiều khi lại bắt đầu từ những việc rất nhỏ bé, giản đơn.
BÙI ANH THƠ (Thảo Điền, quận 2)