Thu hẹp khoảng cách

Tại buổi làm việc giữa HĐND TPHCM với đại diện các Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH và Sở Tư pháp về vấn đề quản lý hoạt động các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TPHCM, hầu hết các sở, ban ngành đều thừa nhận xã hội hóa giáo dục hiện nay là một phần không thể thiếu của lộ trình phát triển giáo dục từ nay đến hết năm 2020.

Báo cáo số liệu thống kê ở TPHCM, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết trong tổng số 870 cơ sở mầm non đang hoạt động trên địa bàn TP có 451 trường ngoài công lập, nuôi dạy 148.207 trẻ trong số 309.279 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm tỷ lệ 47,9%). Đó là chưa kể số lượng lớn trẻ nhỏ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở mầm non chưa được cấp phép, nhóm trẻ gia đình tự phát “sớm nở tối tàn” ở các địa phương. Như vậy, phải thừa nhận thực tế hệ thống giữ trẻ ngoài công lập đang “gánh” một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em của TP.

Bà Thanh khẳng định: “Ngay cả những nước phát triển trên thế giới và trong khu vực cũng phát triển tối đa nguồn lực xã hội hóa. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Không thể trông chờ hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước trong điều kiện kinh phí còn nhiều eo hẹp, nhất là với đối tượng trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, hiện đang ngoài tầm với của hệ thống trường công”. 

Dẫn chứng điều này, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cho biết số liệu thống kê từ quận Thủ Đức cho thấy hiện có đến 80% cơ sở nuôi dạy trẻ trên địa bàn hoạt động từ nguồn xã hội hóa. “Nếu không có sự giúp sức của lực lượng này, hệ thống trường công khó lòng đảm đương nổi nhiệm vụ nuôi giữ trẻ”, ông Hùng bày tỏ. Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Dũng, đại biểu HĐND, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), sử dụng nguồn lực xã hội hóa như thế nào để phát huy tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị là vấn đề không đơn giản. Trong đó, việc thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ về mặt chuyên môn giữa phòng GD-ĐT và các đơn vị ngoài công lập, giữa hệ thống trường tư và trường công trên cùng địa bàn cần được đặt ra một cách thấu đáo. Trước tình hình đó, ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho biết giải pháp giao trách nhiệm về cho trường công kèm cặp, trao đổi về mặt chuyên môn cũng như kiểm tra, giám sát trường tư và các nhóm trẻ được cấp phép trên địa bàn đang được nhiều địa phương áp dụng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất việc nhà nước cần có thêm các chính sách vay ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng trường, thường xuyên mở khóa tập huấn, bồi dưỡng về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cho chủ các đơn vị để thu hẹp khoảng cách đào tạo giữa hai khu vực trường công và trường tư. Chỉ khi làm được như vậy, TP mới thu được cái “lợi” từ việc giao “quyền” và trách nhiệm nuôi dạy trẻ về cho hệ thống trường ngoài công lập.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục