
Sau sự kiện Pháp phát hiện virus H5N1, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh châu Âu (ECDE) cho biết cúm gia cầm chưa phải là đe dọa lớn đối với toàn thể cộng đồng châu Âu do các trang trại nuôi gia cầm trong liên minh đã được chuẩn bị tốt công tác bảo vệ cũng như phối hợp ngăn dịch bệnh (mặc dù đến nay đã có 16 quốc gia trong EU phát hiện cúm gia cầm).

Tiêm vaccine cho ngỗng và vịt.
Trước đó, tổ chức “Thỏa ước về Đa dạng sinh học” cho biết các loại thú hoang có thể bị lây và chết bởi cúm gia cầm. Cũng vì vấn đề này, dự kiến trong cuộc họp của các nước tham gia Thỏa ước nhóm họp vào tháng 3 tại Brasil, các nhà khoa học sẽ giới thiệu cuộc nghiên cứu đầu tiên về ảnh hưởng của cúm gia cầm đối với động vật hoang dã và đa dạng sinh học.
Ngày 28-2, kết quả xét nghiệm một con mèo chết tại Đức đã cho thấy dương tính với virus H5N1. Như vậy, Đức là nước đầu tiên ở châu Âu có virus H5N1 lây truyền từ gia cầm sang động vật có vú. Thụy Điển cũng đã phát hiện virus chủng H5 trên 2 con vịt ở miền Nam. Các xét nghiệm tiếp theo đang được tiến hành để xác định liệu đây có phải là virus H5N1 hay không.
Còn tại Pháp, các nhà chức trách bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm phòng vaccine phòng cúm gia cầm cho hàng nghìn con vịt và ngỗng. Bộ Thương mại Pháp thông báo đến nay đã có 20 nước cấm nhập khẩu gia cầm và gan ngỗng của Pháp, chiếm khoảng 5% tổng thị trường xuất khẩu gia cầm của Pháp (trong tổng số 1,4 tỷ euro/năm).
P.V. - L.V. (Theo AFP, THX)