Thu hồi kho bãi lãng phí tại TPHCM: Chậm!

Thiếu trách nhiệm của người đứng đầu

Lãng phí kho bãi tại TPHCM đang là vấn đề “nóng” và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, trong chương trình đối thoại “Nói và làm” do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện sáng 6-9 với chủ đề “Hệ thống kho bãi tại TPHCM – Thực trạng và giải pháp” một lần nữa vấn đề này được đem ra mổ xẻ đến tận cùng.

Thiếu trách nhiệm của người đứng đầu

Phân tích sâu về nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng lãng phí đất công trong thời gian qua, các đại biểu cùng nhận định: Do giá cho thuê đất còn nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản. Giá cho thuê đất quá thấp so với giá thị trường nên kích thích động cơ cho thuê lại đất để các đơn vị được giao đất hưởng phần chênh lệch giá.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, khẳng định: “Tình trạng này còn do những đặc quyền, đặc lợi và thiếu trách nhiệm trong quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị”.

Ngoài ra, theo thống kê, UBND TPHCM và Bộ Tài chính đã xác định được các đơn vị (doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp trung ương và địa phương) đang quản lý 10.535 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước với tổng diện tích đất gần 233 triệu m². Trong tổng diện tích trên, ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế - đất đai Sở TN-MT TPHCM, cho rằng: Chỉ có 10% là sử dụng lãng phí, không đúng mục đích!

Nhận định này đã bị ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, phản ứng: “Tôi không biết Sở TN-MT dựa vào đâu mà đưa ra lời nhận định như vậy, trong khi thực tế chỉ cần đếm sơ sơ một vài khu đất của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Công ty Cinco, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông… đã thấy một diện tích đất bỏ hoang, lãng phí khổng lồ rồi”.

Lý giải vấn đề ông Hùng đặt ra, ông Hồng cho biết, báo cáo trên dựa trên kết quả kê khai của các phường và sở có đi kiểm tra. Sự chênh lệch về con số có thể là do khi thống kê Phòng Tài nguyên – Môi trường các quận chỉ thống kê diện tích đất đem cho thuê chứ không thống kê diện tích toàn khu đất.

Tiếp theo, PV Báo Đất Việt đặt câu hỏi: “Có phải lãnh đạo TPHCM chưa mạnh tay xử lý những đơn vị thuộc trung ương sử dụng lãng phí đất đai trên địa bàn TPHCM”.

Ngay lập tức, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, khẳng định: “Tôi khẳng định là hoàn toàn không có chuyện xử lý nặng đối với các đơn vị của TPHCM và nhẹ đối với các đơn vị Trung ương. Hiện nay, cái vướng chủ yếu vẫn là do cơ chế. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 09 về nội dung thẩm quyền thu hồi đất như: Khi các cơ quan đơn vị Trung ương sử dụng đất sai mục đích như bỏ trống, cho thuê lại, cho mượn… thì UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được thẩm quyền thu hồi đất theo đúng Luật Đất đai năm 2003. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 132 Nghị định số 181 theo hướng: Đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng đất có vi phạm, sử dụng đất không đúng mục đích giao hoặc thuê đất, khi có đầy đủ chứng cứ vi phạm thì UBND TP ban hành quyết định thu hồi, không phải chờ có kết luận thanh tra. Căn cứ vào quy hoạch của địa phương và tình hình thực tế sử dụng đất của đơn vị thuê lại, UBND TP quyết định việc giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với đơn vị đang thuê lại, hoặc tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch”.

Theo bà Lan, cần phải cụ thể hóa việc chế tài và xử lý đối với các doanh nghiệp đang thuê nhà đất của các công ty công ích TP, nhưng sử dụng nhà, đất không đúng mục đích thuê mà đem cho thuê lại.

Xóa bao cấp về giá đất

Một thực tế khác đặt ra tại chương trình tọa đàm này là: Tại sao thời gian qua có địa phương thu hồi được khá nhiều mặt bằng, kho bãi lãng phí để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng nhưng địa phương khác lại “kêu” vướng nhiều thứ.

Cụ thể, từ năm 2002, lãnh đạo quận 4 đã có động thái rất tích cực và quyết liệt thu hồi những kho bãi bỏ hoang (chiếm 1/3 diện tích quận) để xây dựng những công trình hạ tầng công cộng, chỉnh trang đô thị. Các cao ốc, bệnh viện, trường học đều mọc lên từ những mặt bằng kho bãi một thời bỏ hoang.

Cũng sở hữu rất nhiều kho bãi nhưng trái ngược với quận 4, quận 8 – địa bàn có đến 159 kho bãi với tổng diện tích 451.000m² nhưng chỉ có 61 kho sử dụng có hiệu quả. Gần chục năm, quận 8 vẫn loay hoay với việc thu hồi kho bãi và đến nay chỉ mới thu hồi vỏn vẹn có… 18 kho. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng chất vấn: “Tại sao cùng một chính sách, cùng một nền tảng pháp luật mà quận 4 làm được còn các quận khác thì không? Chúng ta sẽ xử lý ra sao những đơn vị chưa chấp hành kê khai diện tích đất công, chưa chịu giao mặt bằng”.

Đồng tình với ý kiến ông Hoàng, bà Lan cho rằng: “Khó khăn chung là vướng do cơ chế. Nhưng dù khó, tại sao quận 4 làm được còn quận 8 thì không? Quận 8 nên xem lại cách làm của mình xem có phù hợp không và sát với điều kiện thực tế chưa chứ không nên chỉ đổ cho cơ chế”.

Phát biểu kết thúc chương trình tọa đàm, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo kết luận: Mặc dù có bước tiến trong kê khai, xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM nhưng nhìn chung tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu; tình trạng cho thuê, để trống, sử dụng sai mục đích gây lãng phí về đất công vẫn còn gây bức xúc. Theo các cơ quan chức năng, qua kê khai có đến 90% diện tích đất đai, nhà xưởng sử dụng đúng mục đích nhưng thực tế có khi con số này chỉ được 50%. Hướng tới, UBND TPHCM cần phải tăng cường trách nhiệm của mình trong kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

“Cái gốc vẫn là phải xóa bao cấp về giá đất và cụ thể hóa việc xử lý trách nhiệm thủ trưởng cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý nhà, đất và thủ trưởng cơ quan đơn vị quản lý cấp trên trong trường hợp phát hiện nhà đất sử dụng lãng phí, không đúng mục đích cho thuê, bỏ trống… Thời gian tới, đoàn ĐBQH và HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này”, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Vân Anh

- Thông tin liên quan:

>> Sử dụng đất ở Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn:
Kho bãi “bốc hơi”, nhà đất “tạm sử dụng” để... cho thuê lại!

Tin cùng chuyên mục