

Chọn mua đồ thực phẩm đông lạnh tại Công ty kinh doanh Thủy hải sản TP (APT), 1103 Trần Hưng Đạo (Q5). Ảnh: CAO THĂNG
Chưa có năm nào sức mua tập trung cao vào mặt hàng thực phẩm chế biến, đông lạnh như năm nay.
Có thể giải thích là do tác động của dịch cúm gia cầm; do hàng dễ dự trữ, bảo quản; do sự thuận lợi của nhóm mặt hàng (tiết kiệm thời gian đi chợ, sơ chế,...) song, có lẽ quan trọng hơn cả là do có sự thay đổi thói quen tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Thu Sương, công tác ở Trường Kỹ thuật y tế trung ương (quận 5) cho biết, Tết này gia đình chị - với hơn chục nhân khẩu - dành thời gian đi chúc Tết bạn bè, người thân được nhiều hơn và chị được rảnh tay hơn do “không phải lo chuyện chợ búa, bếp núc”.
Nói về nguồn cung cấp, người tiêu dùng TP đã quen thuộc với nguồn thực phẩm chế biến đông lạnh từ các công ty như Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan, Công ty kinh doanh Thủy hải sản APT, Xí nghiệp Hàng chế biến xuất khẩu Cầu Tre, Công ty CP, Xuất nhập khẩu thủy hải sản An Giang – Angifish, Công ty Trung Sơn và mới đây là Công ty SG Fisco.
Sản phẩm của các đơn vị trên đã và đang được tiêu thụ rất mạnh ở tất cả các hệ thống siêu thị tại TPHCM như Co-opmart, Maximark, Citimart, Metro Cash & Carry, Big C và Hà Nội. Dịp Tết Ất Dậu vừa qua, Công ty Kinh doanh thủy hải sản TP (APT) tạo được nguồn hàng bán Tết phong phú gồm 2.250 tấn cá (tươi và đông lạnh), 55 tấn thủy hải sản khô, 35 tấn thủy hải sản chế biến đông lạnh cung ứng cho thị trường Tết phải “giảm lượng tiêu thụ thịt gà” do ảnh hưởng dịch cúm. Công ty CP, Công ty Xuất nhập khẩu thủy hải sản An Giang thì nâng tổng số thực phẩm chế biến từ cá ba sa lên 50 món.
Năm nay, hàng Tết của Vissan còn có thêm 100 tấn thịt đông lạnh (50 tấn thịt heo, 50 tấn thịt bò), pha lóc theo quy cách 1kg/gói (gồm thịt đùi, vai và ba rọi) cung ứng cho các cơ quan, xí nghiệp có nhu cầu, đăng ký trước. Ông Võ Văn Em, Giám đốc Công ty Vissan, vốn rất tâm đắc với mặt hàng này, cho biết: Đây là sản phẩm chất lượng cao mà Công ty Vissan muốn giới thiệu với người tiêu dùng TPHCM trong dịp Tết Ất Dậu và có kế hoạch tiếp tục sản xuất sau Tết.
Hiện nay, vẫn còn không ít người cho rằng thịt đông lạnh là thịt ế, đưa vào cấp đông để dự trữ, dễ bán. Song, thực tế hoàn toàn ngược lại. Thịt cấp đông luôn là thịt “vừa ra lò”.
Trong khi đó, theo tính toán của các hộ tiểu thương chuyên doanh thịt heo, thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai, miếng thịt tươi ngon nhất cũng phải mất 4 - 5 tiếng đồng hồ mới ra được tới sạp bán lẻ (giết mổ từ 2-3 giờ khuya, ra đến chợ sỉ 4-5 giờ sáng, về chợ lẻ, pha lóc và đến tay người đi chợ sớm nhất cũng 6-7 giờ sáng).
Để giữ màu thịt được tươi, đôi khi các chị cũng phải dùng hàn the để tạo sắc đỏ cho mặt miếng thịt. Chưa kể các giai đoạn vận chuyển, bốc vác, thịt dễ có điều kiện nhiễm khuẩn (từ ruồi, bụi, vật tiếp xúc) trước khi đến tay người mua.
Được biết, trước nhu cầu tiêu thụ tăng cao, kế hoạch sản xuất hàng thực phẩm chế biến, đông lạnh trong năm 2005 của các nhà sản xuất đều tăng và sẽ dành tỷ lệ sản lượng ưu tiên, tăng cao hơn cùng kỳ ít nhất 10%-20%
THIÊN NGÂN