Sau khi Báo SGGP có bài “Tiền thù lao giảng dạy bị cào bằng…” đăng trên trang Bạn đọc số ra ngày 5-1-2009, ông Dương Anh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHKHTN-ĐHQG TPHCM) có ý kiến như sau: Kể từ năm 1996 đến nay, hàng năm nhà trường đã có “Quy chế quản lý và phân phối kinh phí nguồn thu tại đơn vị”.
Nội dung này đã được hội nghị cán bộ chủ chốt của trường và hội nghị cán bộ- công nhân viên chức thông qua.
Trong quy chế có quy định việc trích từ học phí thành lập Quỹ Hỗ trợ giảng dạy (ngoài lương chính) từ tiết đầu tiên và chia ra thành 2 nhóm gồm: Nhóm 1: Hỗ trợ giảng dạy lý thuyết, trong đó có các mức hỗ trợ khác nhau theo chức danh (phó giáo sư, giáo sư); theo học vị (thạc sĩ, tiến sĩ) với các hệ số từ 1 đến 1,67 và một số yếu tố khác như lớp đông, ngoài giờ… ; Nhóm 2: Hỗ trợ giảng dạy hướng dẫn thực hành có mức hỗ trợ không chênh lệnh nhiều, chỉ tính đến thực hành đại cương hoặc chuyên ngành và yếu tố độc hại hay không độc hại.
Là một trường đại học cơ bản nên có sự khác nhau giữa nhóm 1 và 2 là do các cán bộ có học hàm, học vị cao tập trung giảng dạy lý thuyết, chủ trì các hoạt động xây dựng chương trình, nghiên cứu khoa học và là cán bộ đầu đàn dìu dắt cán bộ trẻ.
Còn các cán bộ trẻ (thường là trợ giảng, giảng viên) đảm nhận hướng dẫn thực hành, bài tập để giúp sinh viên hiểu thêm lý thuyết, qua đó tích lũy kinh nghiệm, phấn đấu nâng cao trình độ giảng dạy lý thuyết.
Nhà trường không khuyến khích các cán bộ có học hàm, học vị tham gia hướng dẫn thực hành. Trong suốt quá trình thực hiện quy chế, nhà trường đều lắng nghe và tập hợp tất cả các ý kiến của mọi thành viên để hàng năm đưa ra thảo luận thống nhất sửa đổi các điểm bất hợp lý.
Nội dung những con số nêu trên báo là chính xác, tuy nhiên, nhà trường khẳng định rõ thù lao hỗ trợ giảng dạy là tiền thu nhập ngoài lương chính của giảng viên, chứ không phải là tổng thu nhập của từng người.
MINH PHÚ