Trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6%; thu dầu thô đạt 68% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 20
Cũng theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%) - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Về chi ngân sách, 6 tháng đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi chặt chẽ, theo đúng dự toán; đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã định kỳ báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019; đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.
Trong cân đối ngân sách, 6 tháng đầu năm, đã phát hành 112.100 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách Trung ương theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104.000 tỷ đồng).