(SGGP-12G).- Ngày 21-4, SGGP đã có bài viết Vay vốn hỗ trợ mất việc làm: “Miếng bánh” khó nuốt đề cập đến việc doanh nghiệp và người lao động mất việc làm khó tiếp cận nguồn vốn vay theo Quyết định 30 của Chính phủ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH xung quanh vấn đề này. Ông Hòa cho biết:
- Bộ LĐ-TBXH đang nghiên cứu, xem xét về vấn đề này. Như đã biết, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp (DN) ở Hải Phòng được giải ngân nguồn vốn vay trong tổng số khoảng 120 DN đặt vấn đề vay nguồn vốn này. Thực ra không phải DN nào cũng cần vay vốn. Cuối năm 2008, trong bối cảnh lao động mất việc hàng loạt, nhiều DN khó khăn nên chúng tôi đã tham mưu với Chính phủ ban hành chính sách này. Nhưng đó là chính sách mang tính lường trước của Chính phủ, còn thực tế số DN khó khăn đến mức không đủ nguồn trả lương cho lao động có lẽ không nhiều nên số DN nộp hồ sơ vay vốn theo tôi sẽ chỉ dừng ở mức 150 DN.
- Căn cứ vào đâu ông dự đoán chỉ khoảng 150 DN cần vay vốn hỗ trợ mất việc làm?
- Một số DN dù khó khăn nhưng vẫn còn đủ khả năng để thanh toán cho người lao động (NLĐ) do có nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ mất việc làm; một số DN khác lại chưa đủ điều kiện. Vì theo Quyết định 30, DN phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng) và sau khi đã sử dụng các nguồn của DN mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm thì mới đủ điều kiện vay. Theo thống kê bước đầu của chúng tôi, số DN diện này lại chủ yếu rơi vào năm 2008.
- Thưa ông, chính đó là điều bất cập của Quyết định 30 vì những DN cần hỗ trợ lại phải nằm ngoài danh sách?
- Đúng là số lao động mất việc trong năm 2008 khá nhiều và đang là một trong những nguyên nhân khiến một số DN chưa đủ điều kiện để vay vốn từ Quyết định 30. Nhưng tôi cũng cần nói rõ là Chính phủ chỉ hỗ trợ cho những DN và lao động bị mất việc, có khó khăn thực sự. Chính phủ không khuyến khích DN vay vốn ưu đãi diện này để làm việc khác. Tuy nhiên, trên cơ sở báo cáo thực tế từ các địa phương, Bộ LĐ-TBXH sẽ xem xét kiến nghị chỉnh sửa Quyết định 30 theo hướng điều chỉnh thời gian, hỗ trợ cho cả NLĐ mất việc và DN khó khăn trong năm 2008.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐ-TBXH hôm qua, 21-4, cũng đã thống nhất sẽ thành lập đoàn liên ngành khảo sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định 30. Đoàn sẽ tập trung làm việc tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM. Hai bên nhất trí cho rằng cần tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện Quyết định 30, đảm bảo quyền lợi cho DN và người lao động. Nếu cần thiết sẽ kiến nghị sửa đổi Quyết định 30 cho phù hợp với thực tế. |
LÂM NGUYÊN