Thủ tục nộp thuế chuyển mục đích SDĐ bị tắc: Ngành thuế cũng là… nạn nhân

Trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP số ra ngày 13-7-2010 có đăng bài “Thủ tục nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất bị tắc: Doanh nghiệp chầu chực để… được nộp thuế?”, phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản nhiều tháng nay không thể nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất, không những gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị phá sản.

Trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP số ra ngày 13-7-2010 có đăng bài “Thủ tục nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất bị tắc: Doanh nghiệp chầu chực để… được nộp thuế?”, phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản nhiều tháng nay không thể nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất, không những gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ bị phá sản. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Đình Cử, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM xung quanh vấn đề này.

° PV: Thưa ông, người dân cũng như doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản “kêu” vì không thể làm nghĩa vụ thuế chuyển quyền sử dụng đất, vậy tình hình nộp thuế căng thẳng đến mức độ nào?

° Ông TRẦN ĐÌNH CỬ: Thuế chuyển quyền sử dụng đất, mà thực chất là chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), đóng góp một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu nguồn thu của ngành thuế TP. Tuy nhiên, từ tháng 10-2009, khi Nghị định 69/CP (NĐ 69) có hiệu lực đến nay, số thu tiền chuyển quyền SDĐ tại Cục thuế TP không có. Cụ thể, trong 59 hồ sơ (dự án) của Sở Tài Nguyên - Môi trường (Sở TN-MT) chuyển sang Cục Thuế, chỉ có 1 hồ sơ của Công ty TNHH Bình Dân đã được Sở Tài chính (Sở TC) thẩm định theo giá thị trường, tuy nhiên do đơn vị này còn khiếu nại nên chưa nộp. 58 hồ sơ còn lại vẫn chưa có giá.

Ngoài ra, tại các quận, huyện còn có hàng ngàn hồ sơ nhà đất của người dân vẫn đang bị “ngâm”, chưa thể thực hiện nghĩa vụ thuế, cũng vì lý do chưa biết được cách tính thuế theo quy định mới.
Ngành thuế là cơ quan cuối cùng áp dụng văn bản quy định pháp luật để tính thuế và thực hiện chức năng làm thủ tục để người dân làm nghĩa vụ thuế, vì thế thực tế hiện nay, không riêng các doanh nghiệp và người dân, mà chính Cục thuế TP cũng đang trở thành “nạn nhân” của NĐ 69. Các cơ quan chức năng liên quan không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này thì ngân sách Nhà nước không có nguồn thu từ chuyển quyền SDĐ.

° Cục Thuế TP đã làm gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng như tự cởi trói cho mình?

° Từ lúc NĐ 69 có hiệu lực, Cục Thuế TP đã nhìn thấy nhiều bất cập và có nhiều văn bản kiến nghị, đề xuất gửi Sở TC, Sở TN-MT và UBND TPHCM để tháo gỡ khó khăn, nhưng đến thời điểm này Cục Thuế TP vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể.

Theo tôi, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, ngành thuế đề xuất đối với đất có nguồn gốc không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ, mà nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng hoặc phải đền bù cho người SDĐ, thì tiền SDĐ được xác định theo chính sách và bảng giá đất do UBND TP ban hành tại thời điểm giao đất, cho thuê đất.

Trường hợp giá tại bảng giá đất không phù hợp với giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường, trong điều kiện bình thường, thì Sở TC chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xác định giá đất theo các quy định (theo Điều 11/Nghị định 69/CP), trình UBND TPHCM ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá để làm căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính và đảm bảo tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ giao đất, thuê đất trên địa bàn.

Việc xác định giá đất theo thị trường để tính thu tiền SDĐ chỉ áp dụng đối với trường hợp giao đất để thực hiện dự án kinh doanh nếu đất có nguồn gốc nhà nước trực tiếp quản lý.

° Thưa ông, vậy cơ quan đơn vị nào chịu trách nhiệm về vấn đề này?

° Như những gì mà Báo SGGP đã đề cập, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối tượng nộp thuế chuyển quyền SDĐ không thể làm nghĩa vụ của mình là do NĐ 69 đã có hiệu lực nhưng không rõ ràng và thiếu những văn bản hướng dẫn thi hành.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Tài chính và Bộ TN-MT, là hai cơ quan tham mưu chính trong vấn đề này. Các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đều không có hướng dẫn quy trình (hồ sơ thủ tục, thời hạn) để tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất theo giá thị trường, để cơ quan thuế thực hiện. Đơn cử, thực hiện dự án chủ đầu tư phải tiến hành bồi thường về đất, mất ít nhất 2 năm mới xong. Thực tế khi nhà nước giao đất thì đất giao theo hiện trạng đất nông nghiệp, nhưng thu tiền SDĐ theo giá đất phi nông nghiệp và tính tiền SDĐ theo giá thị trường tại thời điểm giao đất.

Mặt khác, việc xác định theo giá thị trường đối với từng dự án, từng thửa đất của hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước giao đất hoặc chuyển mục đích SDĐ hết sức phức tạp, mất thời gian và tiền bạc của nhà nước, cũng như người SDĐ. Vậy nhưng, đến nay ngành thuế vẫn chưa nhận được những văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện, đã dẫn đến tình trạng nguồn thu bị tắc, kéo dài như hiện nay.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục