Thủ tục vay vốn rắc rối mở đường cho “tín dụng đen”

Theo đại diện Tổ chức tài chính vi mô CEP, cho hộ gia đình vay vốn sản xuất chỉ 5 triệu đồng nhưng yêu cầu phải có kế hoạch kinh doanh khả thi, chứng minh khả năng trả nợ… khiến người vay nản lòng, dễ tìm đến kênh “tín dụng đen”.
Hội thảo diễn ra với sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hội thảo diễn ra với sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chiều 12-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 23-10 tới đây. Đến tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến rất sôi nổi của đại diện các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM. Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho biết, tổ chức tài chính vi mô chủ yếu hướng đến các hộ gia đình thu nhập thấp với các khoản vay có quy mô 50 triệu đồng trở xuống.

Các hộ chủ yếu vay vốn phục vụ mục đích dân sinh, như mua gà vịt về nuôi. Những hoạt động này gần như không có hóa đơn chứng từ, nếu quy định yêu cầu quá khắt khe, không khéo thì làm khó người nghèo.

Ông Hoàng Văn Thành, đại diện Tổ chức Tài chính vi mô CEP góp ý tại hội thảo

Ông Hoàng Văn Thành, đại diện Tổ chức Tài chính vi mô CEP góp ý tại hội thảo

“Đặc thù của tài chính vi mô, người vay không quan tâm lắm về tăng giảm lãi suất, nhưng lại rất quan tâm đến thủ tục và chi phí giao dịch. Nếu quy định thủ tục rắc rối khiến người vay nản lòng thì chính là cơ hội cho "tín dụng đen", cho vay nặng lãi”, đại diện CEP nói và cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng an toàn, giá rẻ thì phải đơn giản tối đa thủ tục.

Ông phân tích thêm, hiện nay cho vay vốn ở quy mô nào cũng phải áp dụng theo Thông tư 39, tức là yêu cầu người vay phải có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh khả năng trả nợ… Theo ông, những quy định này không phù hợp thực tiễn và rất khó thực hiện, dẫn đến người vay thường từ chối.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho các quy định về công ty cho thuê tài chính. Theo ông Trần Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đây là hoạt động đặc thù. Các công ty cho thuê tài chính mua máy móc thiết bị để các doanh nghiệp thuê hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cũng như một số đại diện công ty cho thuê tài chính khác, ông Tâm đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM có ý kiến đóng góp để ủng hộ các tổ chức cho thuê tài chính. Theo ông, mô hình này những năm qua hoạt động hiệu quả, tăng trưởng tốt (trên 20%), tỷ lệ nợ xấu thấp (1%), nhưng hiện mới chiếm 0,4% tổng dư nợ trong nước, trong khi ở Trung Quốc, tỷ lệ này là hơn 10%.

Ông Trần Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng ACB góp ý. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Trần Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng ACB góp ý. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các đại biểu cũng góp ý về quy định “Người liên quan”. Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Giám đốc Vietinbank cho rằng quy định về “những người có liên quan” khó khả thi vì những mối quan hệ dâu rể này không bền vững, có thể thay đổi nhanh chóng. Có đại diện ngân hàng còn cho rằng quy định về người liên quan trong dự thảo luật quá chi tiết, đến mức người vay phải chứng minh “lý lịch 3 đời” mới đáp ứng được quy định…

Một số ý kiến khác, ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Pháp chế Sacombank cho biết, cần có quy định bảo vệ người tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Bản thân Sacombank đã trải qua tái cơ cấu nên thấy rằng nội dung này là rất quan trọng và cần thiết.

Chủ trì hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận các ý kiến này và cho biết sẽ tổng hợp, kiến nghị đầy đủ lên diễn đàn Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục