Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc

Tuyệt đối không đầu tư vào Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo phát triển tốc độ nhanh vừa qua. Vì vậy, để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch “không được bê tông hóa Phú Quốc”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang. Ảnh: VGP

Sáng 29-7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 với chủ đề Kiên Giang – tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành phía Nam cùng nhiều vị khách quốc tế, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội, nhà đầu tư trong và ngoài nước… cùng đến dự. 

Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay các đại biểu dự hội nghị . Ảnh: HUỲNH LỢI
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng ĐBSCL và dân số đứng thứ 2/13 tỉnh, thành phố trong khu vực. Với vị trí cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền của tỉnh; có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cùng một số cửa khẩu quốc gia. Điều này giúp Kiên Giang có lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu cũng như kết nối giao thông đường biển, trên bộ nội vùng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Kiên Giang có đồng bằng rộng lớn và có đầy đủ các yếu tố đặc thù của địa phương vùng sông nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có những yếu tố đặc trưng riêng mà ít địa phương đồng bằng ven biển nào có được như rừng nguyên sinh, sông, suối, hải đảo… Nhờ đó, những năm qua kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, tăng trưởng duy trì tốc độ khá cao, trung bình 7,17%/năm (từ 2016-2018). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm hơn 41%, tốc độ tăng bình quân khách du lịch trên 20%/năm, doanh thu từ du lịch tăng hơn 40%/năm; giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động/năm...

Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 2 Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư ở Kiên Giang vào ngày 29-7. Ảnh: HUỲNH LỢI
Tại hội nghị lần này, tỉnh tập trung giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đến với Kiên Giang, bởi nơi đây đang có nhiều cơ hội đầu tư rất hấp dẫn. Kiên Giang muốn mang thông điệp đến với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế rằng “tiềm năng, lợi thế của tỉnh sẽ là cơ hội đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án, phát triển bền vững trong tương lai”.
Dịp này, tỉnh Kiên Giang đã trao chủ trương đầu tư, ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 193.500 tỷ đồng. 
Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và tỉnh Kiên Giang, chúc mừng các nhà đầu tư , đã ký kết đầu tư vào tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng trước sự phát triển của Kiên Giang trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh.
Chứng kiến những dòng vốn mới đầu tư vào Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong thẩm định, xem xét các thủ tục, quy trình, tài chính của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, số vốn đổ vào nhiều lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, bất động sản, công nghiệp chế biến… có các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đây làm ăn. Không chỉ đầu tư ở Phú Quốc, các nhà đầu tư còn xem Hà Tiên, Rạch Giá là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư. Nhất là nhiều nhà đầu tư lớn, “sếu đầu đàn” đầu tư vào đây như: FLC, Minh Phú, Vietjet…
Thủ tướng nhấn mạnh, Kiên Giang - vùng đất được xưng là “trăng cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp”, đang thay da đổi thịt từng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả nước.
Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc. Tới đây, Kiên Giang cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam bộ năng động, đổi mới và giàu có dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển, phát huy tốt nguồn tài nguyên nông nghiệp, không gian trải nghiệm du lịch độc đáo đẳng cấp quốc tế.
Thời gian qua, kinh tế - xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện; trong đó thương hiệu du lịch Kiên Giang – Phú Quốc đã mang tầm quốc tế. Phú Quốc được bình chọn là 1 trong 19 điểm điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019, top 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”. Với các tiềm năng và lợi thế đó, Kiên Giang có thể phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột, gồm “nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế”.
Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, Kiên Giang cần tăng tốc, nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh; tập trung vào một số ngành kinh tế trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thủy sản, du lịch, công nghiệp chế biến… Phát triển nhưng phải đảm bảo chất lượng môi trường, không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo, phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng nhiều hợp tác xã mạnh và nâng cao trình độ nông dân. Song song đó, phát triển bền vững chế biến hải sản, nuôi trồng thủy hải sản.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cần có chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, có giải pháp đồng bộ theo định hướng Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Kiên Giang nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nhanh chóng rà soát môi trường kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp tốt, người giỏi đến làm việc, thu hút người giàu đến ở.

Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 5 Phát triển đô thị biển là thế mạnh của Kiên Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI
Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm, làm đến nơi đến chốn, làm nhanh, hiệu quả. Các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bền vững, lâu dài, phải bảo vệ môi trường gắn trách nhiệm an sinh xã hội… 
Đối với Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần có tầm nhìn để biến "đảo ngọc" thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương khác của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác. Phú Quốc cần phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế liên quan, để các ngành đó không mâu thuẫn với du lịch, giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong phát triển phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân. Tuyệt đối không đầu tư vào Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo phát triển tốc độ nhanh vừa qua. Vì vậy, để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch “không được bê tông hóa Phú Quốc”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục tháo gỡ thể chế ở một số lĩnh vực còn chồng chéo, tiếp tục chỉ đạo thực hiện thành công Chính phủ điện tử, nền kinh tế số ở Việt Nam, tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư. Chính phủ luôn xem các nút thắt mà địa phương, trong đó có Kiên Giang đang xử lý, cũng là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành.

Thủ tướng: Không để “bê tông hóa” đảo ngọc Phú Quốc ảnh 6 Thủ tướng chứng kiến tỉnh Kiên Giang và doanh nghiệp ký bản ghi nhớ đầu tư. Ảnh: VGP
Cũng trong sáng 29-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh… đến dự lễ khởi động dự án Khu đô thị Phú Cường Hoàng Gia ở TP Rạch Giá. Dự án có quy mô 68,68 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, có trên 2.000 sản phẩm gồm nhà phố, shophouse, căn hộ, biệt thự…  Đây được xem là một trong những khu đô thị hiện đại bậc nhất ở ĐBSCL.
Cũng trong dịp này, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet đã công bố kế hoạch khai thác 6 đường bay đến và đi Phú Quốc như: Đà Nẵng, Vân Đồn, Trung Quốc và Hàn Quốc…

Tin cùng chuyên mục