Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Có thể chặn được suy giảm kinh tế vào tháng 6-2009

Báo chí đóng góp quan trọng vào những thành tựu của đất nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Có thể chặn được suy giảm kinh tế vào tháng 6-2009

Trong hai ngày 3 và 4-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1. Chính phủ đã dành nhiều thời gian để tiếp tục thảo luận về các biện pháp chống suy giảm kinh tế. Chiều 4-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp báo đầu xuân do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Nhiều vấn đề báo chí quan tâm đã được Thủ tướng giải đáp.

Kinh tế tiếp tục đối mặt suy giảm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Có thể chặn được suy giảm kinh tế vào tháng 6-2009 ảnh 1

Theo Bộ KH-ĐT, trong tháng 1-2009, các hoạt động sản xuất tiếp tục gặp khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, cộng với những tác động của tình hình trong nước: thiên tai, mưa lũ ở miền Trung, triều cường ở ĐBSCL, nghỉ tết... Vì vậy, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng giảm mạnh, ước đạt 50,6 ngàn tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ năm 2008 tăng 18,2%) và giảm 8,6% so với tháng 12-2008.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 19% so với tháng 12-2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu đang giảm mạnh cả về lượng (khoảng 40%) và giá (khoảng 60%), việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ khó khăn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm. Trong tháng 1, tổng vốn các dự án được cấp phép mới và vốn đăng ký thêm ước đạt 185 triệu USD, bằng 11% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế 2009 sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với 2008. Nếu năm 2008 chúng ta chỉ phải đối mặt với lạm phát thì năm nay, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam, cộng với những hạn chế nội tại của nền kinh tế, chắc chắn chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

“Đây là một cuộc đại khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu và hiện vẫn chưa thấy đáy. Nếu 2 tháng trước, Quỹ tiền tệ thế giới vẫn dự báo năm 2009, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 2,2% thì tại thời điểm này, dự báo chỉ còn 0,5%, là mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Nhiều nền kinh tế lớn đi vào suy thoái. Lao động sẽ mất việc hàng loạt. Tất cả các yếu tố này đều tác động trực diện đến Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Những giảm sút trong tháng 1 đã thể hiện rõ điều này. Thủ tướng cũng thừa nhận, cuộc khủng hoảng lần này nặng nề hơn rất nhiều so với khủng hoảng 1998-1999, Chính phủ đang phải cân đối ngân sách rất khó khăn. “Đảng, Nhà nước đã xác định các giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Chính phủ sẽ tập trung vào việc ngăn chặn suy giảm, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, ổn định vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội” - Thủ tướng khẳng định.

Những giải pháp mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua về thuế, về tiền tệ là nhằm mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh. “Chính phủ dùng 17.000 tỷ đồng để bù lãi suất, tính ra là sẽ tạo ra nguồn vốn khoảng 420.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Hiện nay, lãi suất cơ bản là 7%/năm, nghĩa là lãi suất cho vay tối đa là 10,5%/năm, chưa kể có ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ 8%/năm. Với 4% lãi suất được Chính phủ hỗ trợ, các DN sẽ chỉ phải chịu lãi suất 6,5%/năm”. Chính phủ tin các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất” - Thủ tướng nhận định.

Đối với các giải pháp đã triển khai, Chính phủ hy vọng bắt đầu từ tháng 6-2009 trở đi, sẽ chặn được đà suy giảm kinh tế để bứt phá đi lên. “Có thể nói tất cả các giải pháp đã được triển khai trong tháng 1 để từ tháng 2 đi vào thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Biến suy giảm thành cơ hội đầu tư

Tại buổi họp báo, báo chí cũng đề cập đến việc trong bài viết hồi đầu năm 2009, Thủ tướng đã nhấn mạnh đây là lúc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Thủ tướng cho rằng, trong khó khăn cũng có những thuận lợi để phát triển. Cụ thể, khi kinh tế dù suy giảm cũng là cơ hội để chúng ta có điều kiện để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Trước kia có những thiết bị phải cần đến 100 triệu USD mới nhập khẩu được, thì nay chỉ cần 40 triệu USD. Vì thế, trong năm nay Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ. Đây cũng là lúc chúng ta đổi mới cơ cấu, chuyển từ nền kinh tế khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, sang tăng trưởng có chiều sâu. Chúng ta đối phó với khó khăn trước mắt, nhưng đồng thời vẫn phải tính căn cơ lâu dài.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần phá giá đồng tiền. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, vấn đề tỷ giá là tổng hòa các mối quan hệ của nền kinh tế. Quan điểm của Chính phủ là điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, bảo đảm dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Thực tế trong năm 2008 cho thấy điều hành tỷ giá theo hướng này đã đạt được thành công, tức là vẫn khuyến khích được xuất khẩu, giảm nhập siêu, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng (đạt 21-22 tỷ USD). Vì thế, theo Thủ tướng, đến nay các yếu tố để phá giá VND là chưa có yêu cầu. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, thận trọng.

Báo chí đóng góp quan trọng vào những thành tựu của đất nước

Tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu xuân Kỷ Sửu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đất nước đã vượt qua những khó khăn không lường trước của năm 2008 là nhờ có sự đồng lòng, chung sức của nhân dân. Báo chí đã góp phần lớn tạo ra sự đồng thuận này.

“Năm 2008 là năm đầy biến động, với những khó khăn, thách thức khó lường. Nguyên nhân một phần do tác động khách quan và do trình độ, khả năng chủ động đối phó, quản lý, điều hành của Chính phủ vẫn còn khuyết điểm, hạn chế. Nhưng chính nhờ việc đề ra giải pháp đối phó đúng đắn, phù hợp nên cả nước đã cùng hợp lực chung sức vượt bão. Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức, báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp sức mạnh nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính có sự đồng thuận đó mà Chính phủ cơ bản giữ được các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, ổn định nền tài chính, không có bất kỳ ngân hàng nào sụp đổ như những dự đoán trước đó. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn đã kiềm chế được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 6,23%, chỉ sau Trung Quốc. An sinh xã hội được đảm bảo trong hoàn cảnh ngặt nghèo, trên cơ sở niềm tin của người dân, ổn định xã hội tiếp tục được duy trì, đảm bảo.

“Năm 2009 sẽ khó khăn hơn nhiều, để đạt mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, cần sự đồng lòng của toàn xã hội. Báo chí cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, sứ mệnh đóng góp vào tiến trình phát triển và những thành tựu của đất nước” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Q.PHƯƠNG

PH.THẢO

Tin cùng chuyên mục