Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trà Vinh sẽ trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế ở ĐBSCL

Tối 14-1, Trà Vinh tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh (1-1-1900 - 1-1-2020).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TTXVN

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo người dân địa phương.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua. Trà Vinh là vùng đất tươi đẹp, trù phú và hiền hòa mà ai cũng cảm nhận được. Người dân Trà Vinh cần cù, hồn hậu, thân thiện, thông minh và phóng khoáng, nghĩa hiệp, hiên ngang, bất khuất. Nơi đây là quê hương của Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, “Bác sĩ Philatop” Nguyễn Thiện Thành, người vừa là chiến sĩ cầm súng chiến đấu, vừa là thầy thuốc cứu chữa thương bệnh binh. Đây cũng là quê hương của một trong những biểu tượng cho khí chất Nam bộ nói chung, quê hương Trà Vinh nói riêng, Người mẹ cầm súng, nữ chiến sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Út Tịch - Nguyễn Thị Út. 

Vùng đất Trà Vinh được hình thành từ năm 1732 với nhiều tên gọi khác nhau và ngày 1-1-1900 chính thức mang tên tỉnh Trà Vinh cho đến tháng 5-1951. Sau đó, Trà Vinh được sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, chia tách địa giới hành chính, đổi tên gọi lần lượt là Vĩnh Trà, Vĩnh Bình, Cửu Long. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất Trà Vinh chứng kiến bao kỳ tích khai hoang lập địa của tổ tiên chúng ta. Các thế hệ người Kinh, người Khmer, người Hoa và các dân tộc khác đã chung lưng đấu cật, cùng nhau làm nên hào khí Trà Vinh, từ phong trào Cần Vương cho đến hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Vùng đất màu mỡ nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu như một phần mặt tiền đắc địa của toàn vùng ĐBSCL nhìn ra biển Đông, nơi thấm nhuộm biết bao mồ hôi nước mắt và sự hy sinh to lớn của những anh hùng, nghĩa sĩ và đồng chí, đồng bào vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Thủ tướng nêu rõ, trong 28 năm kể từ khi tái lập tỉnh, nhất là những năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Trà Vinh, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, tăng trưởng kinh tế bình quân trên 11%/năm và trong 4 năm trở lại đây, Trà Vinh là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của vùng ĐBSCL. Riêng năm 2019, mức tăng trưởng lên đến 14,85%, cao thuộc nhóm đầu cả nước. Trong đó, nuôi thủy sản là mũi nhọn, phát triển công nghiệp chế biến, logictis, công nghiệp cơ khí…, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đặc biệt là kinh tế biển; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực hiệu quả; chủ động ứng phó thiên tai; chú trọng giáo dục…

“Mặc dù Trà Vinh chưa phải là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nhưng tăng trưởng cao của Trà Vinh đã tạo động lực cho cả vùng và qua đó truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho các địa phương khác. Nếu tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng này trong nhiều năm tới, Trà Vinh hoàn toàn sẽ trở thành một trong những trụ cột phát triển của cả vùng ĐBSCL”, Thủ tướng nhìn nhận, đồng thời đề nghị Trà Vinh tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế tỉnh đồng bằng giáp biển; thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nuôi thủy sản là mũi nhọn, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tại lễ kỷ niệm, các đơn vị, nhà tài trợ đã trao 263 tỷ đồng vào Quỹ an sinh - xã hội tỉnh Trà Vinh. Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Trà Vinh vì những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Trà Vinh về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có việc lo tết cho dân ngay sau đó, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về các kết quả mà Trà Vinh đạt được; hoan nghênh Trà Vinh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào ngày 15-1, sự kiện mà lãnh đạo tỉnh đã trăn trở, chuẩn bị hàng tháng trời. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Trà Vinh vẫn còn là tỉnh nghèo. Thu ngân sách đạt gần 13.700 tỷ đồng là cao, nhưng mới đáp ứng được một nửa nhu cầu chi. Hạ tầng giao thông còn nhiều vấn đề. Thủ tướng đề nghị tỉnh cố gắng phấn đấu hơn nữa, khắc phục các tồn tại, bất cập, nắm chắc tình hình trên địa bàn, gần dân, làm tốt công tác dân vận, không để xảy ra điểm nóng. Hoàn thiện các loại quy hoạch ở địa phương, có chương trình huy động nguồn lực để phát triển cơ cấu hạ tầng. 

Chiều 14-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến chúc tết, tặng quà hơn 200 gia đình chính sách, công nhân lao động và hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán. Thủ tướng phát biểu mong muốn công nhân lao động tiếp thu khoa học công nghệ, rèn luyện kỹ năng, để có năng suất tốt hơn, thu nhập cao hơn; chủ doanh nghiệp cần quan tâm, chia sẻ với người lao động; các gia đình chính sách cần tiếp tục nêu gương ở khối phố, khu dân cư. 

Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự chương trình “Tết sum vầy”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Canh Tý 2020; đến thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình, công nhân lao động khó khăn, các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Vĩnh Long.

Tin cùng chuyên mục