Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích thêm, tỷ lệ mắc Covid-19 tại TPHCM đã giảm rất sâu. Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính tại TPHCM khoảng 0,2% (tức là giảm 20 lần so với tỷ lệ 3,7-4% lúc đỉnh dịch). Theo các tính toán của các chuyên gia, các quyết sách phòng chống dịch đúng hướng và hiệu quả thời gian qua đã giúp tránh được hàng triệu ca lây nhiễm và khoảng 50.000 ca tử vong tại TPHCM. Đến nay, nhiều bệnh viện dã chiến tại TPHCM đã có giường trống, số lượng bệnh nhân tại các trung tâm hồi sức tích cực của Bộ Y tế cũng giảm 60%.
Tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày. Công tác ngoại giao vaccine được đẩy mạnh. Tính đến ngày 8-10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Hiện đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.
Đáng chú ý, trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu 72 ca (tăng 53 ca), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các địa phương, số ca mắc tăng tại các tỉnh này chủ yếu là do xét nghiệm tầm soát những người trở về địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1-10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị có hướng dẫn thống nhất việc đón người dân về quê, bảo đảm an toàn, tránh bị động, lúng túng. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng đã bắt đầu xuất hiện xu hướng người dân trở lại các thành phố, trung tâm công nghiệp, kinh tế lớn để làm việc.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương An Giang đã thực hiện linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở chỉ đạo chung của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, đón tiếp bà con trở về với những hình ảnh rất xúc động (từ ngày 1-10 tới nay, tỉnh đã đón hơn 51.000 người về quê). Tỉnh đã thực hiện các biện pháp y tế, điều trị các ca F0, đưa bà con về tận xã, phường, quản lý người trở về ngay tại cơ sở. Điều này giúp việc trở về của bà con vừa có trật tự, vừa bảo đảm về y tế, vừa bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các ổ dịch lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một số tỉnh bùng phát dịch như Kiên Giang cũng đã từng bước kiểm soát rất tốt. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, những nội dung nào chưa hợp lý hoặc có cách làm hay hơn thì báo cáo cấp trên để điều chỉnh, bổ sung.
Bên cạnh đó, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân. “Nếu hàng chục nghìn người dân trở về thì không cơ sở cách ly tập trung nào đáp ứng được, do đó cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tốt của Tiền Giang, An Giang trong việc đưa người dân về cách ly tại cơ sở”, Thủ tướng lưu ý.
Cùng với đó, tiếp tục quyết liệt thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine; vaccine vẫn là nhân tố quan trọng và quyết định việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về lượng vaccine tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết lượng vaccine đã có, tổ chức tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả. Về vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước, Thủ tướng yêu cầu phải an toàn và hiệu quả, an toàn là yêu cầu số 1, bảo đảm khách quan, trung thực về mặt khoa học, không bị bất cứ sức ép hay tác động nào.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc khôi phục sản xuất phải bảo đảm an toàn, an toàn mới sản xuất. Bộ Y tế và các cơ quan hướng dẫn về điều kiện an toàn trên tinh thần tăng tính tự chủ, chủ động, nêu cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. “Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tính toán lộ trình thực hiện “hộ chiếu vaccine”, Bộ GD-ĐT chỉ đạo cho học sinh đi học bình thường trở lại ở những nơi an toàn, nhất là những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…
Thủ tướng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh, thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vaccine cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn. |