Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tham gia vào sản xuất sạch hơn

Ngày 20-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp và phát động Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Nhận thức về SXSH được nâng cao

Theo ông Cù Huy Quang, Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), sau 10 năm thực hiện, với những hỗ trợ từ Hợp phần SXSH trong công nghiệp thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam Đan Mạch về môi trường, Chiến lược SXSH đã được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn 2009 – 2015 và đạt được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược SXSH. Bộ Công thương đã xây dựng, ban hành và phổ biến trên 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành nghề khác nhau; đánh giá nhanh cho 411 doanh nghiệp, đánh giá cụ thể cho 102 doanh nghiệp và xây dựng 2 mô hình trình diễn. Tại địa phương hỗ trợ đánh giá nhanh cho 335 doanh nghiệp và hỗ trợ áp dụng SXSH với 88 mô hình.

Hội nghị tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong nghiệp đến năm 2020
Tổng kinh phí thực hiện chiến lược trong 10 năm vào khoảng 141,79 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 15,89 tỷ đồng, kinh phí của địa phương 115,9 tỷ đồng (41 tỉnh, thành) và Đan Mạch tài trợ thực hiện 10 tỷ đồng. Đến tháng 12-2019, có 68,5% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 46,9% cơ sở áp dụng SXSH; 12% doanh nghiệp áp dụng SXSH đã đạt mức tiết kiệm từ 8% trở lên và 21% doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về hoạt động SXSH.
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tham gia vào sản xuất sạch hơn ảnh 2 Cần xây dựng và lồng ghép kế hoạch hành động về sản xuất tiêu dùng bền vững phù hợp với mỗi địa phương

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), nhận thức của doanh nghiệp, người dân về SXSH được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, đây là một chương trình mới vì vậy nguồn kinh phí để đầu tư, thực hiện các giải pháp vẫn còn hạn chế. Phần nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn trong SXSH, có hiện tượng các nhà tư vấn thuyết phục doanh nghiệp thực hiện SXSH.

“Chúng ta chưa có tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án SXSH cũng như chưa có hệ thống chứng nhận doanh nghiệp thực hiện SXSH là động lực cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp

Đề cập đến kinh nghiệm thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Kenji Terai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công ty Panasonic Appliances Việt Nam cho biết, trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng. Trong nền kinh tế ấy, phát triển bền vững được doanh nghiệp ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đề xuất một số mô hình thành công trong áp dụng chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020
“Muốn phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp phải hoạt động có trách nhiệm, phù hợp với nguyên tắc của toàn cầu, có những hành động hỗ trợ cho xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cam kết ở cấp cao nhất, có báo cáo những nỗ lực hằng năm và tham gia gắn kết vào hoạt động tại địa phương nơi họ đang kinh doanh”, ông Terai Kenji chia sẻ.

Năm 2019, với việc đánh giá lại hiệu quả hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bên vững giai đoạn đến năm 2020 và Chiến lược SXSH, Bộ Công Thương đã xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chủ động cải tiến quy trình sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn
Theo bà Trần Thu Hằng, Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2021 – 2030, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ tập trung thực thiện tốt mục tiêu thứ 12 trong phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giảm thêm 5 – 10% tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; sẽ xây dựng thành công 20 – 30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến nhân rộng mô hình; 85% - 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, 80% - 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền phổ biến về tiêu dùng bền vững; 70% - 100% khu cụm côn nghiệp được phổ biến nâng cao về SXSH và tiêu dùng bền vững, 70% - 90% tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép vào các chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ thay đổi cách thức hoạt động, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn khách quan, đặc biệt là khó khăn về mặt tài chính.

“Chúng tôi hướng đến việc nhấn mạnh và tăng cường đưa vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH, chứ không trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới nhằm thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững ở Việt Nam”, bà Trần Thu Hằng nói.

Tin cùng chuyên mục