Vào buổi sáng cách đây vài ngày, một đôi nam nữ ăn mặc khá lịch sự chạy xe gắn máy trên đường Nguyễn Thượng Hiền (Q3), cô gái ngồi phía sau, tay cầm bịch nước (không rõ nước trái cây hay nước ngọt) vừa nói chuyện vừa tranh thủ uống (bằng ống hút). Khi hút hết nước, cô thản nhiên thả bịch nước đá xuống đường. Có lẽ cô bận nói chuyện với chàng trai chở mình nên không nhận thấy ánh mắt khó chịu của nhiều người chạy xe bên cạnh.
Trước đó không lâu, tại ngã sáu Công trường Dân Chủ (thuộc Q10, Q3), tôi đã suýt lãnh đủ một bãi nước bọt từ một cô gái trẻ “vô tư” khạc ra đường. Đáng nói nữa là cô gái không hề có một lời xin lỗi khi tôi tỏ thái độ bất bình, mà chỉ cười nói thì thầm gì đó với người bạn trai chở mình, rồi cả hai vọt xe đi!... Điều đáng buồn là những cảnh tượng như trên có lẽ xảy ra không ít trên đường phố mỗi ngày.
Trong xu thế hội nhập thế giới, xây dựng một TP văn minh, sạch đẹp, ứng xử có văn hóa, đạt tiêu chuẩn của một TP tầm cỡ khu vực là quyết tâm của lãnh đạo TPHCM. Là người dân TP, chúng tôi hoan nghênh quyết tâm này của các vị lãnh đạo.
Tuy nhiên để có thể xây dựng được một TP văn minh, nếp sống văn hóa, chúng ta không thể chỉ hô hào “quyết tâm”, mà cần phải có sự đồng lòng của mọi người với những biện pháp, hành động thật cụ thể và nên bắt đầu từ những việc nhỏ với thời hạn rõ ràng.
Theo tôi, trước hết chính quyền phải đề ra những quy định hết sức cụ thể như: quy định những điều cấm (ví dụ: cấm vứt rác ra đường, cấm tiểu tiện bừa bãi, không được ăn mặc hở hang, không chửi thề nơi công cộng,…); mức độ xử phạt những người vi phạm (nên phạt thật nặng vừa bằng tiền vừa cưỡng bức lao động công ích như nước láng giềng Singapore đã thực hiện), thời hạn áp dụng hình phạt…
Tất cả những quy định này trước khi thực hiện phải được phổ biến đầy đủ và thường xuyên trong một thời gian nhất định trên các phương tiện truyền thông, qua các tổ dân phố, khu phố, qua các tổ chức đoàn thể (có thể giao cho Đoàn Thanh niên ở các địa phương, cơ quan, nhà máy… giữ vai trò xung kích).
Tất nhiên nhà nước, cụ thể là các cơ quan chức năng, phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện nếp sống văn minh, như đặt đủ thùng rác, nhà vệ sinh nơi công cộng…, và điều quan trọng là phải có một lực lượng chuyên trách đủ mạnh để kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.
Vừa qua chúng ta đã có kinh nghiệm tốt từ việc thực hiện quy định đội nón bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy trên đường. Đó là bước đầu thuận lợi trong việc xây dựng nếp sống văn hóa tại TPHCM.
HỒ HOÀNG DUY
(P5, Q.Tân Bình)