Hơn 80% số hộ gia đình đã duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn (PLRTN) trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom - đó là hiệu quả thực tế mà dự án khu phố xanh đang được triển khai tại quận Tân Phú TPHCM. Dự án này đã được triển khai từ năm 2013 cho các hộ dân ở các tuyến đường Độc Lập, Tân Sơn Nhì, Lê Khôi, Lê Lư, khu chung cư Tây Thạnh (quận Tân Phú), thu hút hơn 2.000 hộ dân tham gia.
Đa số người dân ủng hộ
Trở lại những tuyến đường, khu dân cư nơi mà Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM đang triển khai chương trình PLRTN, nhiều người dân ở đây hồ hởi chia sẻ, chương trình thực sự có ý nghĩa, hoàn toàn ủng hộ chương trình và cam kết sẽ duy trì công tác phân loại rác thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, một hộ dân sống ở đường Độc Lập, quận Tân Phú cho biết: Trước đây, người dân khu vực có thói quen để rác trước cửa nhà nên thường bị những người nhặt ve chai bới tìm phế liệu, gây mất vệ sinh chung. Thế nhưng, từ khi tham gia chương trình, được công nhân vệ sinh hướng dẫn phân loại rác thải thành rác vô cơ, hữu cơ và thực hiện chuyển giao theo lịch định sẵn nên khu phố đã trở nên sạch đẹp hơn. Không những thế, những hộ gia đình thực hiện tốt còn được đơn vị thu gom tặng bao ni lông, sọt đựng rác và quà tặng khuyến khích.
Tặng quà cho các hộ dân thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn
Tương tự, anh Trần Công Hùng, sống trên đường Lê Lư, bộc bạch, thời gian đầu, các thành viên trong gia đình có gặp khó khăn khi phải nhớ cách phân loại rác vô cơ và hữu cơ. Thế nhưng, đến nay gia đình anh đã thuần thục cách phân loại rác tại nguồn. Anh cũng đã từng e ngại về việc thành công của dự án và cũng không muốn thực hiện vì nghĩ rằng đây chỉ là hoạt động phong trào, tồn tại mấy hôm rồi lại đâu vào đó. Tuy nhiên, hơn 2 năm thực hiện, đến nay dự án vẫn được duy trì đều đặn và đã trở thành nếp sống của các hộ gia đình nơi đây. Riêng ông Nguyễn Thanh Bình, một cựu chiến binh đang sinh sống ở lô I chung cư Tây Thạnh, khu phố 2, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho rằng: “Từ khi chương trình này được triển khai, hộ nào cũng trang bị thùng đựng xanh - đỏ để bỏ rác theo hình thức phân loại. Môi trường sống tại chung cư này nhờ vậy mà cũng trở nên xanh sạch hơn.
Tìm hiểu tâm tư của người dân
Mỗi ngày trên địa bàn TPHCM có 6.000 - 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, gồm rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, trung tâm thương mại, chợ, trường học, cửa hàng ăn uống… Để giảm áp lực trong xử lý môi trường, thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người dân và để tận dụng giá trị kinh tế của loại chất thải hữu cơ, TPHCM đã thí điểm triển khai chương trình PLRTN. Đây là chủ trương đúng của thành phố để chuẩn bị cho sự vận hành của một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai. Tuy nhiên, những chương trình thí điểm phân PLRTN ở quận 1, 5, 6, Bình Thạnh (TPHCM) cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Lý giải thực tế này, ông Cao Văn Tuấn, Bí thư Đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM, chia sẻ: “Nguyên nhân một phần là do sự đầu tư thiếu đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển cho đến việc xử lý. Mặt khác, là người dân không thấy được quyền lợi gì khi tham gia chương trình. Để có thể thực hiện thành công chương trình PLRTN ở quận Tân Phú hiện nay, lực lượng đoàn viên thanh niên của công ty phải đến gõ cửa từng nhà để nắm bắt lý do người dân từ chối tham gia chương trình. Đây là mấu chốt của vấn đề để xây dựng giải pháp phù hợp với nguyện vọng của người dân”.
Thực tế cho thấy, những loại rác có khả năng tái chế vẫn được nhiều hộ tích lũy mỗi tháng để bán, những hộ kinh doanh buôn bán lớn còn thu được vài trăm ngàn đồng từ việc bán rác này. Từ đó, Đoàn công ty nghĩ ra hình thức thu rác tặng quà. Hàng tuần, đội công nhân thu gom sẽ ghi lại lượng rác vô cơ thu gom được tại từng hộ gia đình. Đến cuối tháng sẽ quy đổi thành những món quà tặng như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, bột nêm, phiếu mua hàng siêu thị... và tiến tới trao đổi quà tặng người dân bằng những sản phẩm có giá trị cao hơn như nón bảo hiểm, áo mưa, ly uống nước.
Có thể nói, những lợi ích từ việc PLRTN đã được khẳng định, tuy nhiên, để chương trình được triển khai thành công hơn nữa, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về cách phân loại rác; tổ chức ký cam kết thực hiện với các hộ gia đình đảm bảo thực hiện đồng bộ. Đồng thời, sơ kết, rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được để có phương án điều chỉnh và nhân rộng mô hình ra khắp thành phố.
MINH HẢI