Thực hiện quy chế dân chủ là thước đo đánh giá cán bộ

Thực hiện quy chế dân chủ là thước đo đánh giá cán bộ

Cuối năm 2004 và đầu năm 2005,  Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp các ban Đảng và HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM tiến hành đợt kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở để đánh giá thực trạng việc triển khai ở phường-xã, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, từ đó tìm ra bài học kinh nghiệm, những vướng mắc và có biện pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế.

Đây là việc làm rất đúng ý nguyện của dân, bởi qua đó, người dân có cơ sở đánh giá trình độ và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và từng đảng viên đối với “nhiệm vụ vì dân”.

Thực hiện quy chế dân chủ là thước đo đánh giá cán bộ ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải trong một buổi tiếp dân.

Qua các đợt rút kinh nghiệm về đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở những đơn vị  trong sạch vững mạnh, đã cho thấy điều gì việc gì liên quan đến dân, do dân bàn, dân quyết định đều thành công. Nhưng kết quả đến đâu lại phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, đi sâu sát quần chúng của cấp ủy và đảng viên. Nhiều cấp ủy xem xét, đánh giá năng lực cán bộ bằng hiệu quả công việc, bằng uy tín với dân, và thông qua đó, cấp ủy có hướng lựa chọn, bồi dưỡng và sắp xếp.

Thêm một kinh nghiệm là nếu tổ chức Đảng cơ sở yếu kém thì không thể nói gì đến phát huy dân chủ đúng hướng. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều tổ chức Đảng ở cơ sở yếu kém, có nơi tê liệt; phương thức lãnh đạo và sinh hoạt lúng túng, vừa mất dân chủ vừa mất kỷ cương. Ở các cơ quan, doanh nghiệp việc triển khai quy chế dân chủ còn nhiều hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp bằng nhiều hình thức lắt léo, cố tình không chấp hành pháp luật về lao động. Ước tính có khoảng chưa tới 30% công nhân được bàn về những vấn đề mình quan tâm, ngay cả những vấn đề thiết thân như việc làm, tiền lương, tiền thưởng. Còn những việc lớn như thay đổi cơ chế quản lý, hướng sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ công nhân tham gia càng thấp hơn. Ngoài ra, chúng tôi thấy không ít cơ sở chưa đề ra quy chế để dân kiểm tra và quy chế ràng buộc các cán bộ mà trước hết là người đảng viên và cơ quan nhà nước chịu sự kiểm tra chặt chẽ của dân. Nhiều cán bộ ở phường mong muốn quy chế dân chủ phải được cụ thể hóa hơn, phù hợp với địa phương.

Lại có nơi, một số đảng viên hiểu sai, cho rằng nếu mở rộng dân chủ có thể dẫn đến mất ổn định trong sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (!?) v.v…

Do vậy, một trong những nội dung đại hội Đảng bộ cấp cơ sở sắp tới là kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện Quy chế dân chủ, chẳng hạn cần làm rõ:  tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể đã làm được gì và chưa được gì trong việc nêu cao bản chất chính quyền của dân, do dân và vì dân;  quan tâm, chăm lo cuộc sống người dân đến đâu; tạo điều kiện gì để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; giải quyết đơn thư kiếu nại tố cáo ra sao v.v…

Trong nhiệm kỳ mới, tổ chức Đảng nếu đề ra biện pháp thực hiện tốt Quy chế dân chủ sẽ phát huy nguồn lực lớn về mọi mặt, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.

LÊ ĐẮC XUÂN
 (Cán bộ hưu trí quận 1)

Tin cùng chuyên mục