Đây là ba quyết định phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM do Thủ tướng Chính phủ ký, đầu tiên là năm 1993, phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM; năm 1998 điều chỉnh lần thứ nhất; năm 2010 điều chỉnh lần thứ hai… Nội dung cả 3 đồ án quy hoạch đều cơ bản giống nhau xuyên suốt qua các thời kỳ, đó là phát triển Khu đô thị Thủ Thiêm, xác định TPHCM phát triển đa cực với các đô thị vệ tinh như Tây Bắc, đô thị cảng Hiệp Phước…
- PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện quy hoạch từ trung tâm ra ngoại thành so với quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
* Ông HOÀNG MINH TRÍ: Thay vì phải làm hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cứng, đường giao thông đạt chuẩn, hệ thống hạ tầng xã hội đạt chuẩn rồi mới cho xây dựng cao ốc, nhưng thực tế cho thấy, chưa có khu nào đạt chuẩn mà cao ốc đã xây dựng dày đặc ở nhiều nơi, nhất là khu trung tâm.
Ngay cả khu tòa nhà Landmart cao 81 tầng, theo quy định khoảng cách đầu hồi giữa tòa nhà này với tòa nhà kia phải bằng chiều cao của tòa nhà, còn 2 mặt nhìn vào nhau thì khoảng cách gấp đôi, nhưng thực tế gần như “dính sát” nhau. Đối với chủ đầu tư thì lợi nhuận là trên hết, cho nên có giai đoạn người ta hay nói, “có gì khó thì điều chỉnh quy hoạch là xong”.
Ví dụ như khu dân cư Miếu Nổi (Bình Thạnh), một khu quy hoạch là trường học mẫu giáo thì đền bù được, còn chỗ khác không đền bù được. Thế là sau đó, hoán đổi khu vực không đền bù được thành trường học mẫu giáo, còn khu đền bù được thì làm kinh doanh. Sau cùng, vì không đền bù được nên không có trường học! Rõ ràng quy hoạch thì đẹp, đủ các tiêu chí về đất nhà ở, đất công cộng… theo quy định, nhưng kết quả thực hiện lại khác. Nhà quản lý và nhà đầu tư có vấn đề khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch, nhưng trách nhiệm lớn nhất là thuộc nhà quản lý.
- Thưa ông, thành phố đã từng tốn tiền thuê nhiều tư vấn tên tuổi trong và ngoài nước thực hiện các đồ án quy hoạch đạt chuẩn quốc tế, nhưng kết quả thực hiện sau này lại khác với đồ án quy hoạch (như khu Nam, Thủ Thiêm)?
* Việc này có. Tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) đã trúng giải cuộc thi lập đồ án quy hoạch tổng thể khu đô thị mới Nam Sài Gòn với diện tích quy hoạch gần 3.000ha, chia làm 5 phân khu. Đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sau đó TPHCM giao cho Liên doanh Phú Mỹ Hưng triển khai. Cho tới thời điểm này, đơn vị liên doanh chỉ tập trung làm mỗi khu A khoảng 400ha, nhưng rồi cũng điều chỉnh quy hoạch so với bản gốc. Chủ đầu tư giải thích phải làm theo thị trường, bởi làm theo đúng quy hoạch, không hiệu quả. Quy hoạch ban đầu mật độ xây dựng rất thấp, cây xanh rất nhiều, chứ không phải như bây giờ.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng vậy. Thành phố đã trao giải cao nhất cho tư vấn Sasaky (Mỹ) trị giá 1 triệu USD về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đơn vị này có tặng cho thành phố quyển sách hướng dẫn thiết kế đô thị, trong đó ghi rõ từng lô đất và chỉ cho phép điều chỉnh tối đa 10%. Sau này, nhiều chuyện đã xảy ra… Có một dự án của nhà đầu tư nước ngoài xin điều chỉnh quy hoạch tăng thêm 20%. Lúc đó, thành phố có họp bàn về đề xuất này… cuối cùng quyết định theo ý nhà đầu tư. Làm vậy, coi như bỏ đi đồ án thiết kế ban đầu.
- Như vậy theo ông, nguyên nhân do đâu, do nôn nóng thu hút nhà đầu tư hay vì tầm nhìn ngắn hạn hoặc lý do nào khác?
* Có rất nhiều nguyên nhân mà nhà quản lý có thể giải thích với câu hỏi này. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là do chưa có chế tài. Các văn bản pháp luật có chỗ hở ngay tại đây. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch hầu như theo ước muốn của chủ đầu tư. Vì không có chế tài thì đâu thể tuýt còi nhà quản lý khi điều chỉnh quy hoạch đi chệch hướng.
Chúng ta không phải lo rằng, nếu không điều chỉnh quy hoạch thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi… Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn gì. Nếu động lực chỉ chăm chăm vào bán đất thì phát triển nhất thời, chỉ một thời gian đất đai sẽ khai thác hết; còn tập trung phát triển khoa học công nghệ thì không cần đất nhưng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, phát triển bền vững. Chẳng hạn như, khu tài chính phố Wall của Mỹ, thực ra chỉ là một tòa nhà, bên dưới là sàn giao dịch, còn bên trên cả trăm công ty tài chính, toàn bộ sử dụng qua hệ thống mạng, thì cần diện tích lớn làm gì?
- Như vậy, tại sao chúng ta không học tập như Singapore, Thái Lan… quy hoạch mật độ, chiều cao từng khu vực có sẵn, căn cứ vào đó thực hiện?
* Tôi nhớ năm 2008, thành phố đã cử đoàn cán bộ đi học tập tại Singapore. Sau 10 ngày ở đó tôi nhận thấy, nước bạn vẫn điều chỉnh quy hoạch 1/5000 (quy hoạch chung), 5 năm làm một lần, gọi là điều chỉnh tầm nhìn, luật pháp quy định như vậy. Khi trưng bày, đưa lên mạng, lấy ý kiến người dân thì ai góp ý gì cũng được, kể cả du khách nước ngoài.
Đến lúc đồ án chuyển sang tỷ lệ 1/2000, rồi tỷ lệ 1/500 (quy hoạch chi tiết) thì chỉ người có chuyên môn mới được góp ý. Mình nghiên cứu kỹ hơn thì phát hiện, quỹ đất của họ rất ít, việc điều chỉnh quy hoạch chỉ thực hiện tại những khu nhà cũ kỹ xây dựng thuở ban đầu mới tách từ Malaysia ra thôi. Nôm na nói như mình là chỉnh trang đô thị, chứ không phải điều chỉnh ở những khu phố hiện đại, trung tâm hành chánh, trục đường chính. Kiểu làm của Hàn Quốc cũng vậy. Điều này khác hoàn toàn với cách làm của Việt Nam, sau khi góp ý thì việc phản biện thế nào, ai nghe, ai tổng hợp thì chịu. Quy hoạch của chúng ta chỉ có đầu vào, còn đầu ra bỏ trống hoặc chỉ là thủ tục.
- Thưa ông, giải pháp để khắc phục điều này, nên bắt đầu từ đâu?
* Theo tôi, cơ sở chính là bám theo Luật Quy hoạch. Trước mắt, Bộ Xây dựng nên ban hành Thông tư hướng dẫn, quy định rõ giới hạn của việc điều chỉnh quy hoạch tăng thêm là bao nhiêu phần trăm. Nếu có áp lực từ “đâu đó” để phải điều chỉnh quy hoạch, thì nhà quản lý sẽ có cơ sở để trả lời.
Tiếp đó, việc cực kỳ quan trọng là rà soát lại toàn bộ kết quả đã thực hiện, rồi đánh giá việc đầu tư xây dựng có phù hợp và không phù hợp như thế nào đối với quy hoạch được duyệt trước đây; trường hợp nào giữ nguyên trạng, trường hợp nào cần phải điều chỉnh. Với phương tiện kỹ thuật hiện đại, chúng ta rất dễ so sánh thực tế trước quy hoạch và thực tế hiện nay. Chúng ta đang làm điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM để trình Thủ tướng phê duyệt, nhưng theo tôi, nếu không rà soát, đánh giá đầy đủ sẽ khó có cái nhìn tổng thể cũng như giải pháp toàn diện.
- Xin cảm ơn ông!