Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi (kể cả chất cấm) và chất bảo quản trong chế biến thực phẩm đang ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thực phẩm không an toàn trở thành mối lo ngày càng tăng trong xã hội.
Ăn gì, uống gì để đảm bảo an toàn?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (FTA), cho biết thực phẩm bẩn trở thành mối nguy ngày càng tăng trong xã hội. Ăn gì, uống gì để đảm bảo an toàn là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của người tiêu dùng. Khi có không ít thông tin trên báo chí và mạng xã hội về vàng thau lẫn lộn giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm bẩn, hay việc đối phó của những người thực hiện để được chứng nhận, cũng như trách nhiệm của những người cấp chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP) mang tính hình thức nên người tiêu dùng cảm thấy hoang mang về các nhãn hàng được chứng nhận, dù ở trên kệ các cửa hàng tiện ích hay siêu thị.
Nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP cung ứng thịt thị trường TPHCM (Ảnh: CAO THĂNG)
Một khảo sát nhanh ngay tại Hà Nội ngày 15-6, có đến 72% số người tham gia hội thảo “Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch” cho biết không tin sản phẩm có chứng nhận; con số này khảo sát ở TPHCM ngày 16-6 dù có thấp hơn khá nhiều nhưng sự nghi ngờ và hoang mang vẫn là yếu tố hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng. Vì vậy, mục đích của việc hình thành FTA là liên kết chuỗi trách nhiệm với xã hội, môi trường để tạo ngành sản xuất thực phẩm an toàn và cung cấp những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Buổi hội thảo là sự lên tiếng của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và thương mại thực phẩm có trách nhiệm trước hiểm họa thực phẩm bẩn. Liên kết cùng xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm an toàn cho sức khỏe, lành mạnh cho người tiêu dùng và có trách nhiệm xã hội. Phối hợp nỗ lực của cộng đồng và nhà sản xuất để xây dựng thị phần thực phẩm an toàn ở Việt Nam ngày càng nhiều lên, lấn át thực phẩm bẩn.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng bên cạnh sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước, người sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn một cách tự giác, trung thực và cung cấp thông tin một cách minh bạch, rõ ràng về sản phẩm làm ra, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất hay nông dân làm ăn chân chính. Vì vậy, việc thành lập FTA là cần thiết. Ban vận động, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cùng chung tay xây dựng nền thực phẩm an toàn; cùng nâng cao nhận thức của người sản xuất, người cung cấp thực phẩm có trách nhiệm đối với cộng đồng, có đạo đức kinh doanh, củng cố niềm tin người tiêu dùng với thực phẩm trong nước. Đó cũng là cách nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa trong nước trước làn sóng hội nhập và giúp bảo vệ nền sản xuất khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại với các nước; hướng dẫn người dân chọn lựa thực phẩm an toàn.
Xây dựng lòng tin từ sự minh bạch
Thực phẩm an toàn đòi hỏi sự minh bạch. Đó là yêu cầu bức xúc của người tiêu dùng. Minh bạch trong sản xuất thực phẩm vừa liên quan đến vấn đề đạo đức, sự chính trực, vừa liên quan trực tiếp đến các vấn đề kỹ thuật, quy trình. Khi người tiêu dùng mua thực phẩm muốn biết và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm sẽ cảm thấy yên tâm hơn, bởi khi có sự cố xảy ra cơ quan chức năng có thể truy tìm nơi sản xuất ở đâu, ai làm ra sản phẩm đó, để xử lý. Do đó, thực phẩm an toàn cần phải minh bạch là điều cần thiết. Có khoảng 56% người tiêu dùng tìm các yếu tố minh bạch từ các nông sản thực phẩm sử dụng. Vì vậy, để xây dựng lòng tin người tiêu dùng, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cho rằng, minh bạch là yếu tố hàng đầu. Minh bạch là không lập lờ, không giấu diếm, là trách nhiệm của người sản xuất. Nhưng minh bạch đến đâu là sự tự nguyện của nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin về sản phẩm như việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm… Còn quy định là yêu cầu của pháp luật mà các cơ sở phải đáp ứng với từng loại sản phẩm.
Để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, trước hết các nhà sản xuất chân chính phải biết cách tự bảo vệ, cùng đứng về một phía và liên kết lại với nhau để cùng phát triển thị trường cho thực phẩm an toàn. Thực tế từ các nước cho thấy không một nền nông nghiệp nào có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất không liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng.
Bài học về trái kiwi của New Zealand là kinh nghiệm và là bài học cho người làm nông nghiệp Việt Nam. Nhiều thập niên trước, ở New Zealand, mạnh ai nấy trồng kiwi theo cách riêng, tranh giành thị trường. Điều này làm chất lượng trái kiwi không đều, thị trường bị giới hạn. Năm 2000, từ việc tái cấu trúc ngành công nghiệp trái kiwi, Công ty TNHH Quốc tế Zespri ra đời, là đầu mối duy nhất để xuất khẩu trái kiwi trồng ở New Zealand. Zespri được thành lập với lời cam kết chỉ trồng và cung cấp kiwi an toàn nhất. Chất lượng được kiểm soát từ nhà vườn tới bán lẻ. Bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức trồng cũng như bao tiêu sản phẩm, Zespri còn cung ứng giống tốt, hỗ trợ các nông trại về vốn... Zespri là một công ty liên hiệp, có thể xem là hợp tác xã, được sở hữu từ hơn 3.000 người trồng kiwi tại New Zealand, con số trước đó là chỉ hơn 1.000 nhà vườn.
Theo lãnh đạo Zespri, 3 nguyên tắc trong kinh doanh để tạo ra loại kiwi tốt nhất là: Cam kết cung cấp quả kiwi ngon, chất lượng và an toàn nhất. Không ngừng cải tiến để tạo ra các nhiều loại quả kiwi với khẩu vị khác nhau. Nhưng trước hết là công bằng và minh bạch các hoạt động. Trái kiwi của New Zealand chinh phục hầu hết các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, các nước châu Âu sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu. Zespri nhanh chóng trở thành công ty xuất khẩu trái kiwi lớn nhất thế giới, đến hơn 60 quốc gia. Sản lượng kiwi thu hoạch mỗi năm khoảng 850.000 tấn, doanh thu khoảng 1,62 tỷ USD.
|
CÔNG PHIÊN