PHÓNG VIÊN: Thưa ông, qua công tác điều trị thời gian gần đây cho thấy chúng ta đang gặp nhiều khó khăn về nguồn thuốc hiếm, thuốc giải độc đặc hiệu?
* Ông LÊ VIỆT DŨNG: Theo quy định của Bộ Y tế, một số thuốc giải độc đặc hiệu, chuyên biệt là các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn cầu và chỉ một ít công ty sản xuất, cung cấp. Thời gian qua, việc thiếu thuốc hiếm xảy ra ở một số cơ sở y tế do công tác dự trù mua sắm.
Ông Lê Việt Dũng |
Hiện nay, công tác dự trù thuốc phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm. Trong khi đó, thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời. Có những loại thuốc hiếm nhiều năm không sử dụng, không dự trù mua sắm dẫn đến khi có phát sinh bệnh thì không mua kịp. Qua ghi nhận thực tế, một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có nhu cầu, phải hủy bỏ khi hết hạn.
Từ thực trạng nói trên, Bộ Y tế đã có giải pháp tháo gỡ ra sao?
* Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh, cập nhật. Hiện danh mục này gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm.
Thời gian tới, Bộ Y tế có cơ chế gì để hỗ trợ các bệnh viện cũng như bảo đảm nguồn cung thuốc hiếm?
* Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 30/NQ-CP, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó dự kiến đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính, bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc hiếm, thuốc chuyên dụng cho chống độc, ngộ độc, trong đó chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân sử dụng dẫn đến thuốc hết hạn. Đồng thời tăng cường chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
TS-BS NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia
Hiện nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia và chúng ta cần có trung tâm lưu trữ này do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần. Trong đó, cần lưu trữ sẵn các loại thuốc hiếm như BAT, thuốc giải độc rắn… để sẵn sàng cứu người khi có ca bệnh. Thực tế, thuốc hiếm do ít ca phải sử dụng, giá trị thường lớn, nếu lưu trữ lâu mà không có bệnh nhân sẽ hết hạn phải tiêu hủy, tình huống này dễ bị quy về việc lãng phí. Do đó, cần có quy chế rõ ràng về việc lưu trữ thuốc hiếm cấp quốc gia.
Ông LÊ THANH DŨNG, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia: Đẩy nhanh tiến độ cung ứng thuốc trúng thầu
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh và tiến độ của hợp đồng đã ký kết, Bộ Y tế đã đề nghị các nhà thầu trúng thầu khẩn trương rà soát, làm việc với nhà cung cấp để đẩy nhanh tiến độ cung ứng mặt hàng thuốc trúng thầu và cam kết đảm bảo cung ứng mặt hàng trúng thầu. Bộ Y tế cũng yêu cầu nhà thầu chủ động nếu có yêu cầu từ cơ sở y tế, các nhà thầu phải có trách nhiệm cung ứng thuốc cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng thay thế mặt hàng bị thiếu, không để ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh.