“Thương” doanh nghiệp để hỗ trợ hiệu quả, đi vào thực chất

Tại buổi đối thoại về tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp (DN) vượt qua Covid-19 diễn ra sáng nay, 18-3, tại Vĩnh Phúc, bà Vũ Thị An, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A nhấn mạnh, DN không hy vọng nhiều ở các gói hỗ trợ khổng lồ như các nước mà mong nhất Chính phủ, các bộ, ngành “thương thật” DN. 

“Thương thật” DN thông qua việc rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà để DN hiểu các chính sách và làm ngay thay vì kéo dài 5-7 tháng.
Quang cảnh buổi đối thoại
Đánh giá cao gói hỗ trợ tài khóa đi nhanh vào cuộc sống nhưng bà Vũ Thị An cho biết, bà cảm thấy gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì sau đó DN vẫn phải nộp. Nhìn sang nước bạn, DN thấy tủi thân vì các gói hỗ trợ khổng lồ của họ. Nhưng, DN thông cảm về sự khiêm tốn trong chính sách hỗ trợ do quốc gia nghèo, thu không đủ chi. Với hiệu quả mang lại còn nhỏ bé nên các DN vẫn lèo lái DN đến thời điểm này, phải bán xe, nhà để trụ lại thì họ xứng đáng là những anh hùng.

“Năm 2020, DN vẫn trụ được vì còn “có thóc giống để ăn” nhưng “năm 2021, 2022 còn đâu để bỏ”, bà An chia sẻ và cho rằng, các gói giải pháp hỗ trợ cần phải tiếp tục, đặc biệt là về thuế phải thiết thực. Bởi lẽ, trong dịch bệnh, không chỉ DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nặng nề mà cả DN lớn, song chỉ DN nhỏ và vừa được giảm 30% thuế thu nhập DN.

Cũng theo bà An, trong dịch Covid-19 vừa qua và hiện nay, nên có sự phân loại, DN nào ảnh hưởng nhiều nhất thì có chính sách phù hợp, thiết thực hơn, ví dụ như dệt may, hàng không, du lịch.... Trên thực tế, nhiều DN bị thiệt hại do dịch nhưng cũng có số ít DN được hưởng như DN về công nghệ thông tin, sàn giao dịch trực tuyến, vì thế, họ cũng không cần phải hỗ trợ.

Tiếp tục đề nghị cần phải “thương DN” trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, bà An cho rằng, cần phải tin DN và thông qua những hàng động cụ thể. Ví dụ như trong 5 năm tới, hạn chế tối đa thanh tra DN để họ tập trung kinh doanh. Điều này cũng đã được Luật Quản lý thuế quy định, cho phép, chứ “chủ DN làm ăn vất vả nhưng nếu bị kiểm tra họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm báo cáo”.

Theo khảo sát của VCCI, có tới 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97% DN), thông tin, truyền thông (96% DN)… Kết quả khảo sát các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 35% DN tư nhân trong nước, 22% DN FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc. DN ở hầu hết các địa phương đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cao nhất là tại các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung.

Tin cùng chuyên mục